Tim Cook dự định gì khi sang Việt Nam?

15/04/2024 20:29:52

Tim Cook bất ngờ có chuyến thăm tới Việt Nam khi vị thế của Apple đối mặt với trở ngại nghiêm trọng trong ba tháng đầu năm nay. Đó là mức sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.

 

CEO Apple Tim Cook đến Việt Nam sẽ nói chuyện với sinh viên và nhà sáng tạo Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, CEO Apple Tim Cook đã khen ngợi “Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp”.

Ngày 15/4, CEO Apple bất ngờ tới Việt Nam, uống cafe, cắn hạt hướng dương và gặp gỡ một số nhà sáng tạo nội dung bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Vai trò của Việt Nam như một thị trường và trung tâm sản xuất ngày càng lớn đối với Apple - công ty đang tìm cách đa dạng hoá dây chuyền sản xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ bị tác động từ cọ sát địa chính trị.

Ngay khi vừa đến Hà Nội, CEO “nhà táo” đã dành những lời có cánh: “Không có nơi nào như Việt Nam, một đất nước sôi động và xinh đẹp. Tôi rất phấn khích khi có mặt tại đây để kết nối với những bạn sinh viên, nhà sáng tạo cũng như các khách hàng để hiểu hơn về sự đa dạng trong cách sử dụng sản phẩm của Apple”.

Tháng trước, ông Tim Cook cũng âm thầm sang Trung Quốc nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường đại lục, cũng như một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất đối với Apple.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị không ngừng gia tăng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh khiến công ty công nghệ vốn hoá hàng đầu thế giới phải tính đến những địa điểm cơ cấu lại chuỗi sản xuất, cung ứng của mình.

Theo báo cáo thị trường smartphone toàn cầu quý I/2024 của hãng nghiên cứu thị trường IDC, vị thế của Apple đối mặt với trở ngại nghiêm trọng trong ba tháng đầu năm nay, khi ghi nhận mức sụt giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023. 

Chuyển dịch chiến lược

Năm ngoái, Apple được cho là đang chuyển nguồn lực phát triển iPad lần đầu tiên sang Việt Nam. Các nhà cung ứng linh kiện cho “nhà táo” cũng dần chuyển dịch sang những quốc gia khác ngoài đại lục như Mexico, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 9/2023, Phó Chủ tịch Apple phụ trách chính sách toàn cầu, Nick Ammann từng nhận định “Việt Nam là thị trường và khu vực sản xuất rất quan trọng với Apple”, đồng thời khẳng định công ty này “mong muốn tham gia phát triển và đào tạo nhân sự tại đây, đặc biệt là kỹ thuật phần cứng”.

Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị Apple tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác đầu tư, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đồng thời, kêu gọi Apple làm tốt vai trò cầu nối đưa doanh nghiệp Mỹ và các nhà cung ứng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp địa phương nâng cao năng sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Apple có thể hỗ trợ tham vấn cho Trung tâm Đổi mới Quốc gia về xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển với trọng tâm là đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.

Tim Cook dự định gì khi sang Việt Nam?
Sau khi gặp gỡ mẹ con ca sĩ Mỹ Linh, Mỹ Anh và thưởng thức đồ uống Việt Nam, CEO Apple Tim Cook đã đến quán cà phê trên phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) vào chiều 15/4. Ảnh: Phạm Hải

Tờ FT cho biết, Apple đang hợp tác với BYD - nhà lắp ráp iPad chủ chốt của Trung Quốc, để chuyển các nguồn lực cần thiết nhằm thiết kế và phát triển sản phẩm mới sang Việt Nam.

Trong khi đó, nhà cung ứng Luxshare Precision Industry của Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2019 và đang triển khai các dự án hàng trăm triệu USD xây dựng xưởng sản xuất cáp, linh kiện liên lạc, bút cảm ứng, thẻ định vị thông minh và smartwatch tại Nghệ An và Bắc Giang. Ngoài ra còn có các đối tác Đài Loan (Trung Quốc) của “nhà táo” khác như Quanta Computer và Compal Electronics đặt nhà máy tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo thống kê, những đối tác cung ứng của Apple như Luxshare, Foxconn, Compal và GoerTek đang vận hành 32 nhà máy tại Việt Nam, tạo ra 160.000 việc làm cho các địa phương.

Reuters cho hay, tính đến quý IV/2023, Apple đã hoàn tất việc tái cơ cấu 11 cơ sở sản xuất linh kiện âm thanh sang Việt Nam - đánh dấu sự thay đổi chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng trong tháng này, Inventec - nhà cung ứng Đài Loan (Trung Quốc) của Apple cũng nhận được giấy phép cho dự án công nghệ cao tại HANSSIP (Phú Xuyên, Hà Nội).

Người tiêu dùng Việt Nam hưởng lợi

Phân tích của JPMorgan ước tính Apple sẽ chuyển 20% iPad, 5% MacBook, 20% Apple Watch và 65% AirPods sang sản xuất tại Việt Nam vào năm 2025.

Trong khi đó, thay đổi trong cách tiếp cận của Apple với thị trường tiêu dùng Việt Nam cũng gợi mở về sự “thăng hạng” của quốc gia Đông Nam Á trong chính sách của một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Tháng 5/2023, Apple chính thức mở cửa hàng online tại Việt Nam, cho phép người tiêu dùng nội địa mua sắm tất cả các sản phẩm trực tiếp từ công ty. Việt Nam là quốc gia thứ sáu tại Đông Nam Á mà “nhà táo” mở Apple Store online, sau Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Đến tháng 8/2023, có thông tin cho biết Apple đang cân nhắc nâng cấp thị trường Việt Nam từ cấp 3-4 lên cấp 2. Mặc dù không có thông báo chính thức nào từ phía công ty sản xuất iPhone về xếp hạng thị trường, song việc iPhone 15 series xuất hiện tại đây chỉ hai tuần sau khi công bố, cho thấy Apple đã tạo ra sự thay đổi nhất định. Trước đó, khách hàng Việt Nam phải đợi bốn tuần với iPhone 14 series mới có hàng chính hãng.

Tiếp đó, gã khổng lồ công nghệ cũng đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ tại Việt Nam, chẳng hạn như mở thanh toán qua Apple Pay. Công ty cũng công bố kế hoạch thu thập dữ liệu bản đồ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)