Báo Dân Trí dẫn thông tin theo báo cáo mới công bố của công ty tư vấn và quản lý đầu tư công nghệ Momentum Works (Singapore), TikTok Shop - tính năng thương mại điện tử nằm trong ứng dụng mạng xã hội video ngắn TikTok - đang trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á.
Cụ thể, nền tảng này đã tăng tổng giá trị hàng hóa (GMV) gần gấp 4 lần từ 4,4 tỷ USD vào năm 2022 lên 16,3 tỷ USD vào năm ngoái, tăng trưởng nhanh nhất trong số các đối thủ.
Báo cáo cho biết kết hợp với Tokopedia của Indonesia mà TikTok chiếm phần lớn cổ phần, TikTok Shop đã vượt Lazada trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 trong khu vực ASEAN, với thị phần ước tính 28,4% tính đến năm 2023.
Mặc dù vậy, Shopee vẫn là "ông lớn" giữ vị trí dẫn đầu với 48% thị phần, tiếp theo là Lazada với 16,4%, TikTok và Tokopedia mỗi bên chỉ chiếm 14,2%.
Báo cáo của Momentum Works cũng cho biết đến năm 2023, TikTok đã tăng gấp 4 lần số nhân viên của mình, lên hơn 8.000 người và ngang hàng với Lazada.
Đặc biệt, nền tảng này đã phát triển tính năng thương mại điện tử bằng cách tận dụng chức năng phát trực tiếp (livestream), nơi những người có ảnh hưởng và người bán giới thiệu mọi thứ từ mỹ phẩm, thời trang đến đồ gia dụng.
Trong khi đó, Shopee vẫn khẳng định vị thế vững chắc và chiếm hữu thị phần lớn trong thị trường mặc dù các có rất nhiều lựa chọn mua sắm trong hàng ngàn ứng dụng trên thị trường thương mại điện tử.
Để đạt được điều này, phải kể đến những chiến lược phát triển của Shopee, từ việc củng cố khả năng dịch vụ cho đến cung cấp các tùy chọn thanh toán linh hoạt, hay tiếp tục có những nâng cấp nền tảng để thu hút những khách hàng thuộc thế hệ Gen Z.
Shopee đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác của mình để tăng cường năng lực hậu cần trên khắp Đông Nam Á. Điều này bao gồm việc triển khai các dịch vụ giao hàng tức thì ở Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Họ cũng có kế hoạch cung cấp khả năng hiển thị nâng cao trong việc theo dõi giao hàng và bổ sung thêm nhiều điểm thu mua để mang đến cho người tiêu dùng sự thuận tiện hơn.
Cũng theo các chuyên gia, hiện nay Shopee, TikTok Shop gần như thống lĩnh thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam, khi chiếm hơn 91% thị phần, các sàn còn lại như Lazada, Tiki, Sendo… chỉ còn lặng lẽ theo sau và chấp nhận để 2 ông lớn tự do giành giật thị phần.
Báo Công Thương dẫn thông tin theo thống kê của nền tảng phân tích dữ liệu thị trường thương mại điện tử Metric, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop ước đạt 156.000 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ USD.
Cụ thể, vào hồi quý I/2024 doanh thu bán lẻ trên 5 sàn đạt 71.200 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,6% so với quý I/2023, chưa bao gồm các phiên livestream.
Như vậy, con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023.
Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Từ quý II/2024, nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric dự báo mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc, với tốc độ tăng 19,2% so với quý I/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý II/2023. Những tháng còn lại của 2024, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương công bố trước đó cũng cho thấy thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Nếu năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2022 đã lên 16,4 tỷ USD và năm 2023 đạt tới 20,5 tỷ USD. Đặc biệt, thương mại điện tử đã chiếm đến gần 70% tỷ trọng của nền kinh tế số.
PN (SHTT)