Tiếp tục hoãn phiên tòa xét xử vụ taxi Vinasun kiện Grab

07/03/2018 09:25:26

Sau gần 1 tháng gián đoạn, TAND TP.HCM thông tin tiếp tục hoãn phiên xử sơ thẩm vụ hãng taxi Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền hơn 41 tỷ đồng.

Theo dự kiến hôm nay (7/3), TAND TP.HCM sẽ tiếp tục phiên xử sơ thẩm vụ kiện dân sự đòi bồi thượng thiệt hại ngoài hợp đồng giữa taxi Vinasun và Grab. Vụ kiện trước đó đã tạm hoãn để tòa án yêu cầu Grab Taxi bổ sung danh sách các hợp tác xã là đối tác của đơn vị này cũng như một số vấn đề pháp lý liên quan.

Tại phiên tòa ngày 6/2, Grab khẳng định mình chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe cho các hợp tác xã, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, không quyết định giá cước cũng như các chương trình khuyến mãi... Ông Mã Bửu Thịnh, đại diện Grab thông tin trước tòa Grab có hơn 100 hợp tác xã là đối tác và hứa sẽ cung cấp đầy đủ danh sách, cũng như thông tin các hợp tác xã này cho Hội đồng xét xử theo yêu cầu.

Grab cũng cam kết cung cấp các thông tin theo yêu cầu của Hội đồng xét xử chậm nhất trong ngày 6/3. Tuy nhiên, đến hết ngày tòa vẫn chưa nhận được danh sách các hợp tác xã cũng như các chứng từ pháp lý khác.

Phiên tòa tiếp tục hoãn để thu thập thông tin theo quy định. Tòa sơ thẩm cho biết sẽ gửi quyết định thu thập thông tin, chứng cứ cần thiết đến Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM theo thẩm quyền.

Diễn biến tại phiên sơ thẩm ngày 6/2, phía nguyên đơn Vinasun cho rằng Grab vi phạm Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình nên khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng. Phía Grab nói cơ quan xét xử sẽ không thể đưa ra phán quyết hợp lý nào cho những đòi hỏi của Vinasun mà Grab cho rằng thiếu cơ sở.

Tiếp tục hoãn phiên tòa xét xử vụ taxi Vinasun kiện Grab
Vụ Vinasun kiện Grab vẫn chưa có hồi kết.

Theo đơn khởi kiện (có bổ sung, thay đổi) ngày 15/11/2017 của Vinasun, Grab Việt Nam đã lợi dụng Quyết định số 24 của Bộ GTVT về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là “Đề án 24”), thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.

Lập luận của Vinasun, dù tự nhận là “Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải”, Grab lại là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Do Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đã gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun và doanh nghiệp này khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỷ đồng. Hình thức là yêu cầu GrabTaxi bồi thường một lần.

Theo ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, trước khi có sự xuất hiện của Grab, Uber, tăng trưởng của doanh nghiệp này luôn ở mức 2 con số. Từ khi có sự xuất hiện của Grab, cụ thể là từ thời điểm Grab được thực hiện thí điểm Quyết định 24, lợi nhuận của hãng này liên tục lao dốc.

Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 lao động của Vinasun phải nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi. Vinasun dẫn chứng thêm: "Báo cáo dự án nghiên cứu những thiệt hại của Vinasun từ chương trình khuyến mãi của Uber Việt Nam và GrabTaxi" do Công ty Nghiên cứu thị trường - Quảng cáo NBQ thực hiện xác định tỷ lệ thiệt hại mà GrabTaxi gây ra cho Vinasun từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2017 là 52,52%. Thiệt hại này tương ứng số tiền là 39,9 tỷ đồng.

Trong khi đó luật sư Lưu Tiến Dũng, bảo vệ quyền lợi cho Grab, nói rằng phía Vinasun chưa đưa ra được chứng cứ chứng minh Grab có vi phạm các quy định của Nghị định 24 về thí điểm ứng dụng gọi xe hợp đồng. Đồng thời Vinasun không đưa ra được mối quan hệ nhân quả với Grab trong câu chuyện thiệt hại này cũng như cách tính toán thiệt hại.

Các nội dung được hai bên tranh luận tại toà trong phiên xử sơ thẩm tập trung vào 3 vấn đề lớn: bản chất hoạt động của Grab Việt Nam; cáo buộc Grab Việt Nam vi phạm pháp luật và cách tính thiệt hại của Vinasun.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật