Tài xế Vinasun đông nghẹt tại phiên xử vụ kiện Grab
Sáng 6.2, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Trong đơn kiện, Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam của Grab gây ra.
Tại phiên tòa sáng nay, rất đông tài xế Vinasun, Mai Linh tập trung xung quanh khu vực xét xử.
"Chúng tôi muốn Grab phải xem lại cách kinh doanh không lành mạnh ở Việt Nam", tài xế Vinasun Nguyễn Thanh Duy cho biết.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Vinasun tuyên bố tiếp tục thu thập chứng cứ và sẽ theo đuổi vụ kiện Uber, Grab đến cùng.
Hãng cho biết có nhiều cơ sở để khởi kiện, trong đó cơ sở chính là dựa trên quy định của pháp luật. Ví dụ như trường hợp cạnh tranh thông qua hình thức phá giá. Việt Nam có Nghị định 37/2006 quy định rõ về việc khuyến mại không quá 90 ngày/năm, một chương trình không quá 40 ngày.
Doanh nghiệp muốn thực hiện khuyến mại phải đăng ký qua Sở Công Thương. Trong khi đó, Uber, Grab tổ chức khuyến mại tràn lan, vượt quá quy định.
“Các hãng taxi công nghệ, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều cũng có khuyến mại. Họ thích họ khuyến mại lung tung cả lên, rõ ràng là không dựa trên cơ sở pháp luật nào cả, không phù hợp quy định của pháp luật”, ông Hỷ từng cho biết.
Về phía Grab, hãng này cho rằng việc triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar) của Grab Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7.1.2016 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành, sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng. Hiện nay, ngoài Grab Việt Nam, còn có 9 đơn vị khác cùng tham gia thí điểm.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)