Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố lợi nhuận trước thuế quý III tăng mạnh 42% so với cùng kỳ lên 3.609 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thế tăng 102% lên mức 1.436 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận hợp nhất của Vingroup vẫn tăng 4% lên trên 9,7 nghìn tỷ đồng cho dù cộng đồng doanh nghiệp Việt chịu ảnh hưởng của 2 làn sóng lây nhiễm Covid hồi tháng 3 và tháng 7.
Sở dĩ Vingroup ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh và vượt qua được giai đoạn khó khăn là nhờ doanh thu tăng từ việc bán hàng tại 3 đại dự án khu đô thị của Vinhomes - doanh nghiệp chuyên mảng bất động sản của Vingroup. Bên cạnh đó, doanh thu từ bán xe ô tô và điện thoại tăng trưởng ấn tượng.
Doanh thu từ 3 mảng này đã bù đắp cho mảng cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan, hoạt động du lịch và vui chơi giải trí, vốn chịu ảnh hưởng mạnh của đại dịch Covid-19.
Trong lĩnh vực ngân hàng, cho dù phải hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó vì Covid nhưng nhiều đơn vị báo lãi lớn. Tehcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh, hay VPBank của ông Ngô Chí Dũng hay ngân hàng tư nhân MBBank ghi nhận lợi nhuận lớn, cao hơn cả ông lớn nhà nước Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Doanh nghiệp đầu ngành kinh doanh vàng bạc trang sức PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung ghi nhận doanh thu quý III tăng 26% so với cùng kỳ, bất chấp hứng chịu không ít ảnh hưởng từ "cơn bão" Covid-19. Lợi nhuận trong quý III của PNJ cũng tăng nhẹ 1,7% lên 214 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông lớn phân đạm CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ghi nhận lợi nhuận quý III tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận cũng tăng mạnh nhờ giá khí nguyên liệu giảm sâu. Nhà máy Đạm Cà Mau thực tế dựa hoàn toàn vào nguồn khí tự nhiên khai thác tại khu vực ngoài khơi Việt Nam.
Đại gia trong ngành bất động sản công nghiệp - Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp Sonadezi (SNZ) vừa báo lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây là một trong các doanh nghiệp vượt lên trên ảnh hưởng của đại dịch nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang đổ vào Việt Nam.
Gần đây, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn tăng điểm khá mạnh và là trụ cột đỡ cho thị trường mỗi khi có làn sóng bán ra do ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới. Tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng 1 tỷ USD sau 6 tháng lên mức 6,6 tỷ USD.
Các tỷ phú như Trần Đình Long (HPG), Nguyễn Đăng Quang (MSN)… đều ghi nhận tài sản quy từ cổ phiếu tăng mạnh.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 30/10, chỉ số VN-Index giảm nhẹ và hiện ở gần ngưỡng 920 điểm.
Theo Rồng Việt, mặc dù VN-Index vẫn giảm điểm cuối phiên hôm qua nhưng áp lực bán đã tạm thời hạ nhiệt, thể hiện qua thanh khoản giảm và thân nến nhỏ. Đồng thời vùng hỗ trợ 910-920 điểm vẫn đang phát huy tác dụng trong ngắn hạn. Cho thấy thị trường có thể sẽ có nhịp phục hồi trong 1-2 phiên tới, tuy nhiên ảnh hưởng tiêu cực từ 3 phiên giảm điểm liên tục vẫn còn nên cần đánh giá lại tín hiệu hồi phục nếu có. Do vậy, nhà đầu tư có thể mua thăm dò ngắn hạn tại các cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ mạnh hoặc có tín hiệu hỗ trợ tốt để đón đầu nhịp phục hồi ngắn, nhưng vẫn cần thận trọng trước rủi ro tiềm ẩn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/10, VN-Index giảm 1,97 điểm xuống 919,08 điểm; HNX-Index tăng 0,33 điểm lên 134,37 điểm. Upcom-Index tăng 001 điểm lên 62,74 điểm. Thanh khoản đạt 8,7 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)