Ông Trần Đình Long, sinh năm 1961 xuất thân từ một vùng quê nghèo khó ở Hải Dương. Gia đình đã hết sức tạo điều kiện để ông được ăn học tử tế, nhờ đó, ông đã đậu vào ngôi trường danh giá Đại học Kinh tế Quốc dân và tốt nghiệp xuất sắc năm 1986 với tấm bằng Cử nhân Kinh Tế.
Với khát vọng làm giàu, ông Long dành 6 năm tiếp theo mày mò tìm hiểu thị trường. Đến năm 1992, ông bàn với người bạn thân thiết của mình là ông Trần Tuấn Dương thành lập công ty buôn bán đồ cũ từ Nga. 2 người lấy tên là Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng.
Quá trình xây dựng Tập đoàn Hòa Phát
Ý tưởng khởi nghiệp nghe rất sáng sủa những khi bắt tay vào thành lập thì khó khăn chồng chất khó khăn. Để hoàn thành thủ tục thành lập công ty, ông phải qua phòng Thương mại và Công nghiệp quận Hoàn Kiếm làm hồ sơ, chứng minh tài sản, mượn tiền, góp vài chục triệu vào ngân hàng để phong tỏa tài khoản rồi xin giấy phép xác nhận nhân thân từng người. Công ty phải mượn nhà ông Long làm địa điểm vì doanh nghiệp thành lập phải có địa chỉ đăng ký.
Năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên xuất ngoại để tìm hiểu thị trường và nhập hàng về buôn. Vào thời điểm này các công ty tư nhân không được phép xuất nhập khẩu với nước ngoài, nên ông Long phải đi bằng hộ chiếu đường biên.
Ông Trần Tuấn Dương nhớ lại: “Đến đoạn lên núi, hôm đó trời mưa phùn nên phải bò qua bằng cả hai tay hai chân tay nếu không trơn ngã. Người lấm bê bết bùn đất, bò qua biên giới mấy cây số. Mà không riêng gì mình, những người đi buôn tiểu ngạch thời đó đều đi như thế cả.”
Đây được coi là chuyến đi quan trọng bậc nhất đối với Công ty TNHH Thiết bị Phụ Tùng vì đây là lần đầu tiên công ty nhập hàng một cách bài bản.
Năm 1994, trong lúc tìm mua bàn ghế cho văn phòng, ông Long và các cộng sự nhận ra rằng lúc bấy giờ, các doanh nghiệp đều đang nhập khẩu bàn ghế gỗ từ Đài Loan về. Lúc này ông Long có một ý tưởng táo bạo, lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh nội thất. Nói là làm, ông Long bắt tay vào tìm hiểu các nhà cung cấp từ Đài Loan, Malaysia, Singapore…
Năm 1996, công ty lại có một bước biến chuyển đột phá khác. Thời kỳ này, Công ty Thiết bị Phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo tuy nhiên, việc mua ống thép hết sức khó khăn, do phải xin phê duyệt rồi phải có tiền lobby mới mua được 5-10 tấn. Trăn trở về vấn đề này, ông Long nghiên cứu tự sản xuất ống thép và nhận ra việc này không quá khó khăn. Từ đây, công ty mới tên Ống thép Hòa Phát được thành lập với dây chuyền sản xuất được nhập từ Đài Loan. 4 năm sau, “thép xây dựng” đã có mặt trong danh mục sản phẩm của Công ty Thiết Bị và Phụ Tùng.
Sau thời gian dài hoạt động, Ban lãnh đạo công ty họp bàn suy nghĩ về việc đổi tên công ty. Ông Long cho hay: “Lúc đó và kể cả bây giờ, Thép Việt Mỹ, Việt Hàn, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Đức … rất nhiều. Một số công ty, máy móc chẳng có gì liên quan đến các nước Mỹ, Hàn, Nhật, Pháp… nhưng lại sính ngoại lấy tên như thế. Mình thì mua máy móc mới tinh của nước ngoài nên lúc đầu cũng định lấy tên ghép như vậy nhưng sau nhận thấy hàng Việt Nam cũng rất đáng để tự hào, thế là chọn “Hòa Phát” với ý nghĩa Hòa hợp & Phát triển”.
Năm 2007 thì Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Từ đây tập đoàn Hòa Phát có những bước phát triển thăng hoa.
Kết thúc quý II/2016, Tập đoàn Hoà Phát đạt doanh thu 15.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.050 tỷ, tăng 60% so với cùng kỳ và gần hoàn thành kế hoạch cả năm về lợi nhuận.
Đến năm 2019 sản lượng sản xuất và bán hàng của thép xây dựng Hòa Phát đã đạt những con số kỷ lục từ trước đến nay. Lượng thép cung cấp cho thị trường đạt 300.000 tấn, cao nhất trong lịch sử gần 20 năm làm thép xây dựng của Tập đoàn. Tính đến cuối tháng 11, thép Hòa Phát sản xuất và cung cấp gần 2,5 triệu tấn thép chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước (tăng 13% cùng kỳ năm trước), trong đó có trên 220.000 tấn xuất khẩu tới các thị trường như Nhật Bản, Campuchia, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Úc, Mỹ….
Tài sản và thành tựu
Năm 2010: Ông mua một chiếc trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi với giá gần 5 triệu USD (tương đương gần 96 tỷ đồng). Sau đó, ông chi thêm 2 tỷ đồng mỗi tháng để nuôi chiếc máy bay triệu đô này. Hiện nay chiếc máy bay này đã được bán cho Công ty VinaCopter (Hong Kong)
Năm 2011: Ông mua một chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi mang mã VN-D668. Chiếc trực thăng này có thể bay chặng dài Hà Nội – Đà Nẵng mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu. Chiếc trực thăng này thuộc sở hữu của riêng ông, hiện nay đang cho Tập đoàn Hòa Phát thuê
Năm 2016, ông được coi là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết.
Tháng 3/2018, doanh nhân Trần Đình Long còn được tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes đưa vào danh sách “tỷ phú USD” với khối tài sản lên đến 1,3 tỷ USD. Ông Long đứng thứ 1.756 trên bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới.
Cho đến ngày hôm nay, tại Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Long dấn bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép những năm cuối 90 của thế kỷ trước.
Không ngại thử thách, chẳng sợ gian lao, biến khó khăn thành cơ hội, ông Trần Đình Long đưa Hòa Phát và ngành thép Việt từng bước vững chãi tiến về phía trước.
Ông Lòng từng nói: “Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hòa Phát là xe tăng, xe lu cứ đường thẳng mà đi”. Ấy là minh chứng cho sự rắn rỏi, cho cái “chất thép” của vị doanh nhân đầy bản lĩnh, vị tỷ phú USD, và là “ông vua” của ngành thép Việt.
Theo Bá Di (Nguoiduatin.vn)