Bất chấp thông tin Vietcombank tiếp tục hạ lãi suất tiết kiệm từ đầu tháng 10 xuống thấp hơn giai đoạn dịch COVID-19, thị trường chứng khoán trong nước vẫn "đổ đèo" trong phiên giao dịch ngày 3-10.
Thị trường giảm điểm từ khi mở cửa đến lúc kết thúc phiên, áp lực bán ngày càng lớn khiến VN-Index giảm tới 37,15 điểm (-3,22%), xuống 1.118,10 điểm, xóa sạch thành quả của 3 phiên phục hồi trước đó. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UpCom-Index cũng giảm mạnh 4,24% và 2,27%.
Thị trường ngập sắc đỏ khi sàn HoSE ghi nhận 481 mã giảm, trong đó 57 mã giảm kịch sàn; sàn HNX có 150 mã giảm và 20 mã kịch sàn. Hầu hết cổ phiếu ở các nhóm ngành đều giảm nhưng nhóm ngành bất động sản và chứng khoán có nhiều mã giảm sàn nhất. Nhóm ngành ngân hàng cũng có nhiều mã giảm 4%-6%. Hay các nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, phân bón, đầu tư công trong phiên tăng nhẹ nhưng cuối giờ cũng "quay xe" giảm sốc.
Trong phiên giảm sâu, nhiều người tận dụng cơ hội tham gia bắt đáy giúp giao dịch trên thị trường tăng mạnh 84,34% so với phiên trước, khi đạt 24.595 tỉ đồng. Tuy vậy, lực mua vẫn khiêm tốn so với áp lực bán khiến thị trường không đủ sức phục hồi. Khối ngoại phiên này cũng là tác nhân khiến thị trường chịu áp lực khi bán ròng gần 160 tỉ đồng chỉ riêng sàn HoSE.
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều công ty chứng khoán cho hay cú rơi mạnh hơn 37 điểm của VN-Index đã khiến thị trường gãy xu hướng tăng trong trung hạn và rủi ro đang gia tăng. Một trong những yếu tố tác động đến thị trường hiện tại là áp lực tỉ giá USD/VNĐ, khi chỉ số đồng USD trên thị trường quốc tế bật tăng mạnh lên 107 điểm.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank, phân tích thông điệp chính sách tiền tệ của một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn khá "diều hâu" khiến chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD tiếp tục chuỗi tăng giá mạnh 11 tuần liên tiếp và đã chạm mức cao nhất 10 tháng. Điều này gây áp lực lên tỉ giá VNĐ/USD và tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thêm vào đó, thông tin các ngân hàng áp dụng giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn mặc dù không tác động quá lớn tới vốn tín dụng ra thị trường nhưng do dồn dập nhiều thông tin cùng lúc đã khuếch đại tâm lý lo sợ của nhà đầu tư.
"Nhịp giảm 37 điểm trong phiên ngày 3-10 không bất ngờ vì đây là nhịp kiểm tra đáy theo phân tích kỹ thuật nhưng cho thấy nhà đầu tư đang rất nhạy cảm trước áp lực tỉ giá và những chính sách điều hành tiền tệ" - ông Trần Hoàng Sơn nói.
Với thị trường ở thời điểm hiện tại, ông Võ Kim Phụng, Phó trưởng Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BETA, nêu quan điểm dù chỉ số thị trường đang nằm trong xu hướng giảm nhưng ở vùng này, đối với cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh khả quan giai đoạn cuối năm thì nhà đầu tư cân nhắc không nên "bán bằng mọi giá nếu không bị áp lực về tài chính".
"Nhiều yếu tố tâm lý bị khuếch đại khiến thị trường giảm điểm mạnh và ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo của VN-Index là vùng 1.100 điểm kỳ vọng sẽ phục hồi. Còn về xu hướng trung dài hạn của thị trường vẫn là tích cực" - ông Phụng nói.
Chia sẻ tại buổi họp bên lề Hội nghị nhà đầu tư năm 2023 của Tập đoàn VinaCapital ngày 3-10, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, nhận định việc thị trường điều chỉnh trong ngắn hạn là bình thường, có thể tiếp tục có các phiên điều chỉnh. Bởi thời gian qua, VN-Index đã tăng tốt khi tính đến cuối tháng 8, thị trường tăng khoảng 20% so với đầu năm. Tháng 9, thị trường có các phiên điều chỉnh nhưng vẫn giữ được đà tăng khoảng 15%. Do đó, điều chỉnh trong ngắn hạn để đi tiếp là cần thiết. n
Vẫn trong chu kỳ đi lên
Về dài hạn, các chuyên gia của VinaCapital đánh giá thị trường vẫn trong chu kỳ đi lên. Ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng Đầu tư VinaCapital, phân tích chu kỳ kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển tốt, dòng vốn ngoại liên tục đổ vào Việt Nam. Đơn cử, Hội nghị nhà đầu tư năm 2023 của VinaCapital chứng kiến sự tham dự của hơn 150 nhà đầu tư quốc tế - đông nhất từ trước tới nay.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)