Thiệt hại ngân sách có thể hơn 7.000 tỷ
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thực ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ với thương vụ của Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của AVG rất chậm và muộn. “Việc thiệt hại về mặt vật chất cho Nhà nước tương đối lớn và theo tôi con số hơn 7.000 chưa hẳn đã dừng lại ở đó mà thậm chí có thể nhiều hơn”, ông Thịnh nói. Theo ông Thịnh, các thiệt hại liên quan tới số tiền không thu được hay đấu giá, thẩm định giá…cũng như chi phí khác. Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng ở vụ việc này.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cái quan trọng hơn cả trong vụ việc này cho thấy: Rõ ràng thương vụ mang tính chất cấu kết, hoạt động như maphia giữa các cơ quan có thẩm quyền với những doanh nghiệp trong nền kinh tế để tham nhũng, tham ô tài sản của của Nhà nước.
“Điều đáng sợ hơn là dù được cơ quan công luận, báo chí, người dân, chuyên gia kinh tế và cả xã hội lên tiếng nhưng đã có hiện tượng cố tình bao che cho vụ mafia này”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Theo ông Thịnh, các cá nhân có liên quan Không chỉ riêng doanh nghiệp AVG và Mobifone đại diện cho một bên là doanh nghiệp tư nhân và một bên là doanh nghiệp nhà nước mà còn nhiều cái tên khác liên quan tới cơ quan quản lý, bộ ngành cũng đã “nhúng chàm” vào phi vụ này.
Điều quan trọng nhất là nó đã được “ém nhẹm” thông tin cả một thời gian dài nên đã gây lên sự bức xúc trong xã hộị và gây mất lòng tin vào đường lối chính sách của Đảng cũng như hoạt động của các cơ quan công quyền và hoạt động của nền kinh tế.
Thanh lý hợ đồng là hành vi “chạy tội”?
Theo ông Thịnh, về vật chất là như vậy, còn giữa Mobifone và AVG vừa kết hợp với nhau để thanh lý hợp đồng đã ký kết giữa 2 bên cũng đã khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. “Cái quan trọng ở phi vụ này là cấu kết để móc tiền, tham nhũng, tham ô tài sản của Nhà nước và các vi phạm quy định về quản lý chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước. Sự cấu kết của nhiều các thế lực khác nhau để cố tình làm sai và che dấu các khuyết điểm, hành vi phạm tội của mình”. Ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Thịnh cũng cho biết, chỉ khi Ban Bí thư và trực tiếp Tổng Bí thư ra tay mới có báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Vì rất nhiều lần, không chỉ chuyên gia kinh tế, báo chí, dư luận xã hội mà cả các đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi trên nghị trường nhưng vụ việc vẫn vẫn rơi vào im lặng.
Theo ông Thịnh, việc hủy và thanh lý hợp đồng của các bên trước khi biết sẽ có kết luật thanh tra chính thức là một việc làm buồn cười, đáng lên án. Tất nhiên, đứng về phương diện nào đó nếu việc thu hồi được tài sản bị thất thoát trong vụ án này có thể là “lập công” hoặc đã có đền bù, giảm nhẹ tội với các cá nhân có liên quan.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, ở phương diện luật pháp phải xem xét việc các bên họp lại để hủy hợp đồng này là một sự “thành khẩn” để sửa sai hay đó là hành vi chạy tội, muốn xóa hết dấu vết phạm tội trước đó.
Do đó, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần phải làm rõ và quy trách nhiệm rõ ràng để xử lý đúng người, đúng tội đúng bản chất sự việc để đạt sự quyết tâm của Bộ chính trị và lòng mong mỏi của người dân đối với thương vụ này.
Đặc biệt, cần phải làm rõ vị trí, vai trò của từng người trong vụ việc, kể cả phía Mobifone, bố trí sắp xếp đưa người vào để giả tạo, ai là người đã đưa vào, chịu trách nhiệm đến đâu.? Cơ quan chức năng tại sao đưa ra số liệu này là mật, trong khi nó chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần? Thực tế, với công ty TNHH một thành viên chẳng có gì bí mật, trong khi Bộ TTTT cho phép nó là bí mật vì lý do gì?
Ông Thịnh cũng cho rằng, thông qua vụ việc cụ thể này cũng cần phải làm rõ, tại sao có sự cấu kết sâu sắc, rõ ràng như vậy, từ đó góp phần cho nền kinh tế xã hội công khai, minh bạch hơn. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan pháp luật được đầy đủ toàn diện, lấy lại niềm tin cho người dân.
Thương vụ có "quân xanh - quân đỏ"?
Trước đó, vào giữa năm 2016, trao đổi với Báo Dân Việt, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong kinh doanh, các doanh nghiệp đều muốn giữ những bí mật kinh doanh và đó chính là những yêu cầu chính đáng. Tuy nhiên, với thương vụ mua bán của Mobifone với AVG cần phải xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt, đối với một doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thì bắt buộc phải có nghĩa vụ công bố thông tin, dù có giữ bí mật kinh doanh thì sau khi thương vụ kết thúc cũng phải thực hiện nghĩa vụ này. “Ngay cả đối với các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới cũng phải công bố thông tin sau khi đàm phán chuyển nhượng đã kết thúc”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng phân tích, đối với các doanh nghiệp đã niêm yết, họ phải công bố theo quý, năm và công bố đột xuất các khoản đầu tư vào đâu, khả năng mang lại lợi nhuận như thế nào… Việc công bố thông tin là rất quan trọng để cổ đông biết được doanh nghiệp sử dụng đồng vốn của cổ đông liệu có hiệu quả không?
Ngoài ra, sau khi Mobifone mua tới 95% AVG thì rõ ràng Mobifone càng phải cần thiết công bố thông tin để các đối tác liên quan tới AVG biết được sự thay đổi này. Bởi thực tế, sau chuyển nhượng, với số cổ phần gần như tuyệt đối (95%) thì quyền quyết định tại AVG cũng đã thay đổi nên các đối tác liên quan tới AVG cần được biết.
Liên quan tới chuyện Mobifone sử dụng tới 4 đơn vị định giá AVG, trong đó điều mà ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng rất “bí hiểm” chính là mức định giá của các đơn vị này thấp nhất 16.565 tỷ đồng và cao nhất là 33.299 tỷ đồng (chênh lệnh gấp đôi).
“Chỉ với 4 đơn vị thôi mà đã có sự chênh lệch lớn như thế, liệu Mobifone có sử dụng “chiêu trò quân xanh, quân đỏ” để đưa ra nhiều giá khác nhau hay không. Từ đó, khi chuyển nhượng có thể dìm hàng hoặc đẩy giá lên để chuyển tiền?”, ông Thịnh đặt câu hỏi. Ông Thịnh cũng cho rằng, xét về quy luật thị trường, việc sử dụng 3-4 đơn vị “đối tác” để định giá thì liệu có thể có quan hệ mật thiết hay “người nhà” ở trong đó hay không. Do đó, ông Thịnh cho rằng, việc các cơ quan chức năng yêu cầu thanh tra toàn diện để xác định việc định giá đó đúng hay chưa, có ẩn khuất gì đăng sau vụ chuyển nhượng này hay không là rất cần thiết.
Theo Thanh Xuân (Dân Việt)