Theo báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone, phần sự kiện sau ngày kết thúc niên độ kế toán có ghi: “Theo thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015/MOBIFONE-AVG ngày 25 tháng 12 năm 2015 giữa Tổng công ty và đại diện các cổ đông chuyển nhượng cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu, Tổng công ty nhận chuyển nhượng 344.666.000 cổ phần (tương đương tỷ lệ sở hữu 95%) từ các cổ đông với số tiền 8.889.815.380 VND. Tại ngày 02 tháng 01 năm 2016, Tổng công ty đã hoàn tất việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần theo thỏa thuận nêu trên”.
Hơn 1 năm sau, trong báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 và 3 năm gần nhất, Tổng Công ty Viễn Thông MobiFone cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có lợi nhuận, đạt 54,02 tỷ đồng, tỷ lệ sinh lời tính trên vốn điều lệ là 1,49%.
Cụ thể, năm 2016 được ban lãnh đạo MobiFone đánh giá là năm thành công với các công ty con của MobiFone, khi các công ty con đều mang lại lợi nhuận với tỷ suất sinh lời trên vốn điều lệ ở mức khá cao, điển hình là tỷ lệ sinh lời trên vốn điều lệ tại MobiFone Service đạt 39,69%, tại MobiFone Global đạt 25,96%.
“Đây cũng là năm đầu tiên Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) có lợi nhuận đạt 54,02 tỷ đồng”, báo cáo nêu.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 của MobiFone lại không đề cập nhiều tới hoạt động, mối quan hệ giữa MobiFone và AVG tính từ thời điểm MobiFone nhận chuyển nhượng 344.666.000 cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu 95% AVG từ các cổ đông với số tiền 8.889.815.380 đồng vào ngày 2.1.2016.
Cụ thể, số phải thu ngắn hạn từ Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG): 510,372 triệu đồng, trong khi khoản phải trả người bán ngắn hạn và phải trả người bán là các bên liên quan đối với AVG lên tới hơn 550 tỷ đồng.
Khoản trả trước cho người bán ngắn hạn là cổ đông AVG thời điểm đầu năm 2016 là hơn 2.666 tỷ đồng được MobiFone thể hiện là đã trả hết trong báo cáo tài chính cùng năm.
Điểm đáng chú ý nhất về AVG trên báo tài chính của MobiFone chính là ý kiến kiểm toán ngoại trừ của hãng kiểm toán Deloitte.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính Công ty mẹ Mobifone 2016, giá trị của thương vụ mua lại AVG là 8.900 tỉ đồng. Sau khi mua lại, với kết quả doanh thu tăng, lợi nhuận giảm cùng một số khoản chi phí còn chưa rõ ràng, nên hãng kiểm toán Deloitte đã có ý kiến ngoại trừ khi không thể xác định được có cần thiết điều chỉnh giá trị này, cũng như có cần trích lập dự phòng hay không.
Deloitte cho rằng, đến ngày phát hành báo cáo, công ty này không được tiếp cận đầy đủ các thông tin liên quan đến hồ sơ chuyển nhượng vốn tại AVG. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng thực hiện thanh tra việc chuyển nhượng vốn này và chưa có kết luận cuối cùng.
Do các vấn đề nêu trên, Deloitte không thể thực hiện được các thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị khoản đầu tư của Mobifone vào AVG. Vì vậy, công ty kiểm toán này không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh giá trị của khoản đầu tư cũng như số dự phòng tổn thất cần trích lập hay không.
Trái ngược với những thông tin, báo cáo từ phía MobiFone, tại cuộc họp mới đây giữa Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và các cổ đông chuyển nhượng của AVG, ông Phạm Nhật Vũ – cổ đông AVG lại cho biết một trong những lý do dẫn tới quyết định hủy thương vụ bán cổ phần AVG cho MobiFone là kể từ khi đơn vị mới tiếp quản, AVG đã hoạt động không hiệu quả, bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Và bất ngờ hơn khi theo ông Phạm Nhật Vũ, MobiFone cũng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho cổ đông chuyển nhượng theo Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần số 2512/2015/MOBIFONE-AVG. Cụ thể, MobiFone có nghĩa vụ thanh toán nốt 5% tổng giá trị chuyển nhượng là gần 450 tỷ đồng vào ngày hoàn tất theo điều lệ 1.6 của Thỏa thuận chuyển nhượng.
Theo Nguyên Phương (Dân Việt)