Trong sáng 29/11, đại diện Bộ Công thương công bố các thông tin chi tiết về chào bán cổ phần tại Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), bao gồm: số lượng cổ phần chào bán, phương thức chào bán, đối tượng được mua cổ phần, giá khởi điểm chào bán, tỷ lệ được phép mua của Nhà đầu tư nước ngoài, đơn vị tổ chức chào bán cạnh tranh, hình thức chuyển nhượng, giá chào bán dự kiến, công ty tư vấn, quan điểm của đợt thoái vốn nhà nước tại Sabeco…
Đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố những thông tin quan trọng này sau 2 buổi roadshow tại Singapore và Anh vừa qua.
Bộ Công Thương cùng Bộ Công an và Ủy ban Chứng khoán nhà nước sẽ giám sát chặt quá trình thoái vốn ở Sabeco bở đây là một doanh nghiệp có quy mô vốn rất lớn: 205 nghìn tỷ đồng (khoảng 9 tỷ USD).
Quy mô vốn khủng cũng là lý do mà Sabeco được giới thiệu tới các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng. Trong 2 buổi roadshow ở nước ngoài, nhiều quỹ đầu tư và các ngân hàng lớn từ châu Á và châu Âu cũng đã quan tâm tới sự kiện, trong đó có những quỹ có quy mô vốn tới hơn 1 ngàn tỷ USD.
Tại roadshow của Sabeco tại Singapore, ông lớn bia Nhật Kirin cũng đã có mặt và là một trong những nhà đầu tư tiềm năng trong thương vụ thoái vốn Sabeco. Hàng loạt các hãng bia nước ngoài khác cũng quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco.
Bên cạnh Kirin, một doanh nghiệp bia lớn khác của Nhật là Asahi Group và khoảng 10 hãng bia nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco như: ThaiBev, Heineken (hiện nắm gần 5% vốn tại Sabeco), AB InBev, San Miguel, và SABMiller.
Vụ thoái vốn Sabeco lần này được xem là một cú hích đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) giống như cú hích Vinamilk (VNM) thoái vốn hôm 10/11 vừa qua.
Vụ thoái vốn của Vinamilk với sự xuất hiện của gã khổng lồ 200 năm tuổi Jardine Matheson Group chi 1 tỷ USD mua cả trong phiên đấu giá và trên sàn đã kéo giá cổ phiếu VNM vọt từ khoảng 150 ngàn đồng lên gần 190 ngàn đồng/cp như hiện nay. Khoản đầu tư vào VNM cũng chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ mà Jardine Matheson đang quản lý tại Việt Nam.
Trên thực tế, ngay trước thoái vốn cũng giống như Vinamilk, Sabeco cũng đã đóng góp nhiều vào sự tăng trưởng của thị trường trong năm 2017. Dòng cổ phiếu ngân hàng, Vinamilk, Sabeco và cặp đôi Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là các trụ cột đã kéo thị trường chứng khoán liên tiếp lập đỉnh cao thập kỷ trong những tuần vừa qua. Chỉ số VN-Index tăng từ mức 664,87 điểm vào cuối năm 2016 lên trên 940 điểm như hiện nay.
Cú hích Sabeco được đánh giá là rất mạnh bởi cuộc đua giành cổ phần chiến lược tại Sabeco với sự tham gia của nhiều NĐT lớn sẽ còn khốc liệt.
Sabeco hiện là công ty có thị phần bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay: khoảng 40%, với vị thế áp đảo ở miền Nam và đang vươn “vòi bạch tuộc” ra miền Bắc. Trong khi đó, Việt Nam được coi là thị trường có triển vọng lớn đối với các hãng bia quốc tế, và cũng là thị trường đem lại lợi nhuận lớn thứ hai cho hãng bia Heineken (Hà Lan). Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong các thị trường có lượng bia tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất châu Á trong vài năm tới.
Giá cổ phiếu Sabeco đã tăng gần 3 lần trong vòng 1 năm qua và đang ở mức 320 ngàn đồng/cp.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới TTCK Việt Nam là rất lớn. Sau vụ bỏ tỷ USD mua cổ phiếu Vinamilk, khối ngoại vừa bất ngờ mua ròng 1,4 ngàn tỷ đồng trong phiên 28/11 trong đó gần 1,1 ngàn tỷ mua cổ phiếu DIG ở mức giá kịch trần do Bộ Xây dựng thoái vốn.
Trước đó, khối ngoại từng có những vụ bỏ hàng ngày tỷ đồng/phiên để mua cổ phiếu của doanh nghiệp lớn như VPBank, Vincom Retail…
Về tổng thể, quy mô và thanh khoản trên TTCK tiếp tục cải thiện. Dòng vốn nội và ngoại vẫn đổ vào thị trường cho dù VN-Index đã lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2008 và là thị trường có tốc độ tăng mạnh thứ 3 thế giới.
Theo CTCK BVSC, sau nhịp tăng giá mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, áp lực chốt lời dự kiến sẽ gia tăng trong các phiên sắp tới khiến xu hướng tăng mạnh ở nhóm cổ phiếu này khó có thể duy trì.
Tuy vậy, dòng tiền nhiều khả năng sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng để tìm kiếm lợi nhuận, giúp kịch bản điều chỉnh sâu của thị trường ở mức thấp.
Theo VPSC, điểm tích cực cũng là dòng tiền rút ra không đáng để và vẫn luân chuyển tốt trong các nhóm cổ phiếu.
CTCK Rồng Việt cho rằng, đà tăng có thể sẽ chững lại và xuất hiện các nhịp điều chỉnh, nhìn chung xu hướng tăng giá vẫn đang tích cực, do vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ và tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, VN-index tăng 2,6 điểm lên 941,21 điểm; HNX-Index giảm 0,53 điểm xuống 111,5 điểm. Upcom-Index giảm 0,3 điểm lên 53,92 điểm. Thanh khoản đạt gần 440 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 9,9 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.
Theo H. Tú (VietNamNet)