Chiều 24-5, vừa trở về từ Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết hội nghị đã thành công tốt đẹp. Hơn 300 khách mời là doanh nghiệp, nhà mua hàng Trung Quốc đã tham dự hội nghị. Các thương nhân Trung Quốc rất quan tâm đến quy định mới liên quan đến quy chuẩn thông quan hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.
Theo ông Dương, tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với tổng diện tích 16.000 ha cho trái vải Bắc Giang (trong đó có 30 xã và 6 doanh nghiệp huyện Lục Ngạn). Đây cũng là diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Phía Trung Quốc cũng sẽ linh hoạt chấp nhận thông quan các thùng xốp đựng vải có in mã chìm lẫn dán mã (trường hợp chưa kịp in mã chìm). Bên cạnh đó, hải quan cửa khẩu Trung Quốc cũng sẽ làm thêm giờ theo quan điểm hết việc chứ không hết ngày, hỗ trợ luồng riêng cho kiểm tra thông quan mặt hàng trái vải, không để xe vải nào không được thông quan trong ngày. "Chính quyền tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã thông tin rất rõ ràng, quan điểm của chúng tôi là thống nhất ủng hộ. Đây cũng là cách để xây dựng thương hiệu sản phẩm" - ông Thái nói.
Năm nay, dự kiến sản lượng vải Bắc Giang đạt khoảng 150.000 tấn, giảm khoảng 40% sản lượng năm 2019. Mặc dù vậy, chất lượng được nâng lên nên quả vải to hơn, vỏ đỏ đẹp hơn, kỳ vọng sẽ được giá hơn.
Tại thủ phủ vải Lục Ngạn, vải sớm đang được thu mua khoảng 26.000-30.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2-3 lần cùng kỳ năm 2018. Được biết, hiện đang có khoảng 250 thương nhân Trung Quốc có mặt tại huyện Lục Ngạn để thu mua trái vải. Vải sớm Lục Ngạn sang đến Bắc Kinh, Trung Quốc đang bán khoảng 120.000 đồng/kg.
Vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu sang 30 nước. Các thị trường xa gặp khó trong bảo quản và phải đi bằng đường hàng không, chi phí cao nên giá thành cao. Ngoài ra, thị trường Mỹ yêu cầu chiếu xạ, trái vải vỏ mỏng, chiếu xạ nóng làm nhanh hỏng. Hiện 55% sản lượng vải tiêu thụ tại thị trường nội địa, 45% xuất khẩu nhưng 90% trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Chúng tôi coi trọng các thị trường nhưng vẫn coi thị trường nội địa là số 1 nên đã xúc tiến, làm việc với các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op, Hapro, Big C, Aeon và các chợ đầu mối. Năm nay mục tiêu không chỉ chỉ tiêu thụ ở phía Bắc mà còn miền Nam, Tây Nguyên, miền Trung vì vậy rất cần sự gắn kết tham gia hỗ trợ tiêu thụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối có độ phủ thị trường rộng như Saigon Co.op" - ông Thái nhấn mạnh.
Ông Thái đánh giá việc Saigon Co.op ký kết tiêu thụ khoảng 400 tấn vải thiều Bắc Gianh trong năm 2018 rất có ý nghĩa bởi sau đó, một số nhà bán lẻ khác đã liên hệ chính quyền tỉnh để kết nối thu mua vải thiều Lục Ngạn.
Dự kiến, từ ngày 5-6 đến 20-7 sẽ vào chính vụ vải thiều. Saigon Co.op sẽ thu mua khoảng 400-500 tấn vải thiều Bắc Giang. Trước mắt, lô hàng vải sớm đầu vụ của huyện Lục Ngạn sẽ được vận chuyển vào TP HCM trong ngày 24-5 và có mặt tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra... vào đầu tuần sau.
Theo Thanh Nhân (Nld.com.vn)