Thương lái lùng mua vảy cá ở miền Tây

14/12/2018 08:16:25

Thay vì bỏ đi, người dân tại các làng làm khô ở An Giang thu gom vảy cá sặc bổi, cá lóc bán cho thương lái với giá 1.200 - 2.000 đồng mỗi kg.

Thương lái lùng mua vảy cá ở miền Tây
Vảy cá tại các cơ sở chế biến khô được thu gom, chờ thương lái tới mua. Ảnh: Hưng Lợi.

Bà Nguyễn Thị Hường - chủ cơ sở chế biến khô ở xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang cho biết, hiện mỗi ngày nhà bà làm khoảng 10 tấn cá sặc bổi để làm khô. Lượng vảy thải ra tương đương 600 kg.

"Hơn hai năm trước, có người đến bao tiêu toàn bộ vảy cá với giá 1.200 đồng mỗi kg nên tôi bán luôn, thay vì bỏ đi", bà Hường nói và cho biết khoảng 4 - 5 ngày là lái cho xe tải tới cân và chở vảy cá đi, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết nhưng hỏi làm gì thì họ không nói.

Nhiều hộ khác ở làng khô xã Khánh An cũng bán cho các thương lái từ nơi khác đến thu mua với giá 1.500 - 2.000 đồng mỗi kg.

Ông Cao Xuân Điệu, Chủ tịch UBND xã Khánh An xác nhận có việc thương lái thu mua vảy cá sặc, cá lóc tại các làng khô trên địa bàn. "Qua làm việc với một số cơ sở làm khô thì họ nói bán vảy cá cho thương lái làm phân bón", ông Điệu nói.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó Phòng nông nghiệp huyện An Phú cho rằng, việc thương lái thu mua loại phế phẩm này giúp tăng thu nhập cho người dân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. "Địa phương sẽ tìm hiểu xem họ mua chở đi đâu, sử dụng vào mục đích gì", ông nói.

Thương lái lùng mua vảy cá ở miền Tây - 1
Sau khi đánh bỏ vảy, phần thân cá sặc rằn được chế biến thành khô đặc sản. Ảnh: Hưng Lợi.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong vảy cá chứa rất nhiều chất lecithin, có tác dụng tăng cường sức nhớ của bộ não và kéo dài sự suy lão của tế bào não. Ngoài ra, vảy cá còn chứa rất nhiều loại nguyên tố vi lượng phong phú, đặc biệt là hàm lượng canxi và phốt pho cao, có thể đề phòng được bệnh còi xương của trẻ em và bệnh loãng xương ở người già...

Theo Cửu Long (VnExpress.net)