Với mức giá trên, nông dân đang điêu đứng vì lỗ. “Do giá thanh long rẻ mạt nên tôi đã mất trắng mấy trăm triệu đồng”, ông PX, một nông dân có hơn 2.000 trụ thanh long ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam than thở.
Hằng ngày tại một số quán cà phê và quán nhậu ở TP Phan Thiết và Hàm Thuận Nam, có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều nhóm người Trung Quốc ngồi cùng với một số đại gia thanh long có máu mặt ở Bình Thuận. Những người Trung Quốc này nói tiếng Việt khá sõi và liên tục "nấu cháo" điện thoại, lúc thì bằng tiếng Việt lúc bằng tiếng Trung, để điều hành giá cả thanh long từ Việt Nam đến Trung Quốc.
Nhóm thương lái Trung Quốc sáng nào cũng ngồi tại một quán cà phê ở TP Phan Thiết để bàn bạc, điều hành giá cả thanh long. |
Từ hơn một năm nay, khi hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam bằng thị thực du lịch đưa ra lời mời gọi hợp tác, thì nhiều DN, thương lái Việt như T. đã chấp nhận ngay.
“Toàn bộ hệ thống sân bãi, xe tải thu mua, nhân công, kho lạnh… của chúng tôi đều được họ trưng dụng. Còn tụi tôi chỉ đứng phía sau, làm chân rết mua “giùm” cho họ và hưởng chênh lệch theo số lượng cho chắc ăn, đỡ phải lo rủi ro như trước”, T. cho biết.
Hoàng, một thương lái chuyên thu mua thanh long cho DN của T., nhận xét: “Thương lái Trung Quốc… khôn lắm. Có hôm vào buổi sáng họ đưa ra giá thu mua tại vườn 18.000 đồng/kg, không hạn chế số lượng. Thế nhưng mới đến 10h sáng, khi thấy số lượng thanh long tập kết về nhiều thì họ bất ngờ chê hàng xấu, rồi hạ giá còn 16.000 đồng/kg. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thương lái chúng tôi lỗ trắng tay, bởi đã đặt cọc mua trước của nông dân tại vườn”, Hoàng chia sẻ.
Để tránh lặp lại tình trạng này, các DN và thương lái Việt Nam chỉ còn cách, trước khi thu mua thanh long phải đưa các “ông chủ” người Trung Quốc đến vườn của nông dân để xem xét, và khi họ gật đầu mới dám thu mua.
Thương lái Hoàng nói: “Với chiêu này, toàn bộ những gì liên quan đến thanh long đều bị họ nắm rõ. Ví dụ thanh long trồng ở đâu, đã trồng mấy năm, năng suất ra sao, hàng tốt hay xấu… họ nắm rành rẽ”.
Theo T., mặc dù nhập cảnh vào Việt Nam với tư cách là khách du lịch, nhưng hầu hết các thương lái Trung Quốc đều ở ngay trong các vựa thanh long của người Việt, cư trú bất hợp pháp để dễ dàng điều hành hoạt động kinh doanh.
“Vì sao họ ở đâu đến lại làm chủ thị trường, nắm hết nguồn nguyên liệu? Những người trồng, sản xuất, mua bán thanh long hợp tác với họ (những thương lái Trung Quốc kinh doanh bất hợp pháp - PV) chính là đã làm phương hại đến lợi ích quốc gia, đến lợi ích của nông dân trồng thanh long”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Phương cũng kêu gọi những người trồng, sản xuất thanh long không hợp tác với những người buôn bán bất hợp pháp, và báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh tình trạng trên, theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã ra quyết định xử phạt 23 người Trung Quốc cư trú bất hợp pháp, kinh doanh, thu mua thanh long không được phép của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Qua đó, phạt những người trên với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.
Ngày 7/8, trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, trước tình trạng người nước ngoài vào Bình Thuận cư trú và kinh doanh thanh long bất hợp pháp, tỉnh đã giao cho công an tỉnh chỉ đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh tiếp tục kiểm tra và xử phạt nghiêm. “Tuy vậy, để lập biên bản được những thương lái nước ngoài này, lực lượng thực thi công vụ đã phải bám sát địa bàn từng phút, và xuất hiện kiểm tra đúng lúc mới có thể xử phạt. Nói chung là rất khó khăn, nhưng tỉnh kiên quyết làm và làm thật nghiêm khắc”, vị lãnh đạo này khẳng định. Ngày 7/8, trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân khiến giá thanh long tuột dốc, ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho rằng, tình trạng trên do nhiều nguyên nhân. Ví dụ thanh long đang vào mùa, sản lượng nhiều, mưa nhiều… nên giá thấp. Tuy nhiên, ông Hưng thừa nhận: “Hiện nay đa phần thanh long đều mua bán trôi nổi, không ai liên minh liên kết để sản xuất và tiêu thụ với nông dân. Hàng trăm DN lớn nhỏ chỉ dừng lại ở việc mua đi bán lại, không có thương hiệu, và kết quả là xuất khẩu qua đường chính ngạch (có hợp đồng mua bán, cam kết rõ ràng…) quá thấp, còn tiểu ngạch lại tăng cao”. Nhiều người trồng thanh long ở Bình Thuận đều biết rõ ông Zheng Zhongke, một thanh niên khoảng 26-27 tuổi người Trung Quốc, hiện ở tại một vựa thanh long ở thị trấn Thuận Nam; hay bà Song Hong Mei, ông Fu Yuan Jun ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Nhóm người này điều phối thu mua thanh long với số lượng khá lớn, và cứ vài ngày lại có cả đoàn xe container nối đuôi nhau chờ bốc hàng để vận chuyển qua Trung Quốc. |