Thuế tài sản cần đánh trúng đối tượng giàu có, không nên cào bằng

18/04/2018 10:55:13

Nhiều quốc gia chỉ thu thuế tài sản nhà ở đối với người mua, hay nói cách khác là thu thuế khi người dân xác lập sở hữu nhà ở.

Nhiều quốc gia trên thế giới thường nói rõ đánh thuế tài sản là đánh vào 3 đối tượng, bao gồm: người sở hữu, người sử dụng và người chuyển nhượng tài sản. Theo đó, chính phủ của mỗi nước thường thu thuế 1 trong 3 đối tượng này.

Trong khi đó, Bộ Tài chính đưa ra thu thuế suất 0,3%-0,4% đối với phần giá trị nhà ở trên 700 triệu đồng và phần giá trị ô tô trên 1,5 tỉ đồng, đồng thời số tiền đóng thuế phải nộp hằng năm. Tức là, Bộ Tài chính đã đưa ra cách thức thu thuế theo ngưỡng "giàu có". Người nào vượt qua ngưỡng này là giàu hơn người khác và phải nộp thuế.

Thuế tài sản cần đánh trúng đối tượng giàu có, không nên cào bằng
Chuyên gia cho rằng thuế tài sản cần đánh đúng đối tượng thay vì cào bằng như đề xuất. Ảnh: Tấn Thạnh

Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới rất hạn chế thu thuế theo cách mà Bộ Tài chính đưa ra. Nhiều quốc gia chỉ thu thuế tài sản nhà ở đối với người mua, hay nói cách khác là thu thuế khi người dân xác lập sở hữu nhà ở. Như thế, chủ nhà đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và nếu hằng năm nhà nước thu thêm thuế tài sản nhà ở là vi phạm nguyên tắc thuế không được chồng thuế trên cùng sắc thuế .

Một số quốc gia khác lại thu thuế tài sản nhà ở đối với người sử dụng. Thực ra, đây là một sắc thuế không nhằm mục đích chống đầu cơ bất động sản, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo mà hướng tới nghĩa vụ của người dân đối với đô thị mà họ đang sinh sống. Nhiều năm trước, TP HCM từng đưa ra dự thảo thuế cư trú áp dụng trên địa bàn TP nhưng chưa thực hiện được. Theo đó, TP HCM dự định dùng nguồn thu này để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Như vậy, với dự thảo thu thuế tài sản nhà ở, Bộ Tài chính cần phải làm rõ mục đích áp dụng sắc thuế này là gì?

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng áp dụng thuế tài sản nhà ở là để hạn chế tình trạng đầu cơ, lướt sóng bất động sản, đẩy giá nhà đất lên cao có thể làm bùng phát bong bóng giá tài sản, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thế nhưng, khi giá bất động sản nóng sốt thì điểm tích cực của thị trường này là tạo sức thu hút vốn từ bên ngoài. Khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào nhà đất, tức vốn đã đi vào sản xuất kinh doanh, giúp cho nền kinh tế phát triển. Bằng chứng là năm 2017, thị trường bất động sản sôi động, dự trữ ngoại hối của Việt Nam vọt lên 68 tỉ USD. Vậy nguồn vốn này từ đâu ra? Phải chăng trong đó có một phần vốn từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào nhà đất?

Một báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD - bao gồm hơn 40 quốc gia thành viên) cho thấy hầu hết các nước trên thế giới đang có xu hướng không áp dụng thuế tài sản vì lo ngại sắc thuế này có thể làm "chảy máu" vốn đầu tư.

Do đó, nếu chúng ta tuyên bố áp dụng thuế tài sản nhà ở thì trong tương lai sẽ tạo ra bức tranh màu "xám" về kinh tế vĩ mô. Nhà đầu tư nước ngoài có thể rời bỏ Việt Nam, hệ quả là vốn đầu tư thiếu hụt, có thể làm cho kinh tế tăng trưởng chậm. Khi đó, thu nhập hằng năm của người dân không tăng, lấy gì "tích cơ phòng cốc" để đóng thuế tài sản nhà ở?

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trưởng Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế TP HCM) (Nld.com.vn)

Nổi bật