Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản, đánh thuế đối với đất ở và nhà. Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng. Còn đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư): áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Sau khi đề nghị này được đưa ra, có 2 luồng ý kiến trái chiều xoay quanh về vấn đề này.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc đánh thuế này nhằm 3 mục đích chính. Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hai là, thực hiện mục tiêu cải cách hệ thống chính sách thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, bao quát nguồn thu, tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước nhiều luồng ý kiến phản ứng về đề xuất đánh thuế nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng người dân nên bình tĩnh để hiểu đúng về Thuế tài sản, cũng như đề xuất của Bộ Tài chính.
"Quan sát các nước phát triển cho thấy những nước có thuế suất tài sản (BĐS) cao đều có mức sống của số đông tốt hơn (không phải tính theo kiểu thu nhập bình quân đầu người). Rõ ràng thuế tài sản giúp đời sống kinh tế ổn định hơn và tạo công bằng cho mọi thành phần kinh tế", ông Hiển nói.
Đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính, ông Huỳnh Thế Du - Giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng việc triển khai thuế tài sản sẽ khó tránh khỏi sự phản đối từ phía dư luận bởi lâu nay người dân vốn đã bức xúc chuyện thuế khoá nặng nề.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngân sách hiện nay, ông Huỳnh Thế Du cho rằng việc đánh thuế tài sản vẫn hợp lý, hiệu quả hơn so với việc triển khai tăng một số loại thuế trong đó có thuế GTGT…
Trái với những quan điểm trên, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, trước khi đưa ra 1 chính sách mới, cần phải đánh giá tác động tổng thể của nó đến đời sống kinh tế, xã hội.
"Việc thu thuế để tạo nguồn thu cho ngân sách là cần thiết nhưng phải xem nguồn thu đó bắt đầu từ đâu, tác động thế nào đến xã hội... Phải làm rõ được những việc đó ra thì mới trả lời được là có nên thu hay không nên. Tuy nhiên, theo tôi với điều kiện hiện nay, đất nước còn khó khăn, dân còn nghèo thì việc thu thuế nhà ở giai đoạn này là chưa thích hợp", bà chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dự thảo Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra trong bối cảnh hiện chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về phân phối tài sản của xã hội, trong khi đây sẽ là hàm tham chiếu để tính mốc đánh thuế hợp lý nhất. Khi chưa có đầy đủ dữ liệu thì mức đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng Bộ đưa ra là chưa hợp lý.
"Việc đánh thuế từ mốc trên 700 triệu đồng trở lên chính là đánh ngay vào đối tượng thuộc diện thu nhập thấp, Nhà nước phải hỗ trợ, chứ không phải đánh vào người có tài sản lớn. Câu chuyện phải dành dụm, vay mượn tiền mới mua được căn nhà và nay phải tiếp tục chật vật đóng thuế là điều dễ nhìn thấy...
Nếu có đánh thuế, tôi nghĩ phải nâng cao hơn rất nhiều, 5-7 tỷ đồng trở lên. Ngay cả mức 5-7 tỷ đồng cũng phải cân nhắc, tính đến nhà đó bao nhiêu người ở. Với giá nhà như vậy mà tính thuế suất 0,3 - 0,4%/năm là rất cao", bà Lan phân tích.
Đây là ý kiến của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia Tài chính khi nói về dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính. "Việc đánh thuế mà Bộ Tài chính đề xuất là đánh thuế nhà đang ở của dân, tôi cho rằng đây là việc cần cân nhắc thận trọng", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng cho rằng việc Bộ Tài chính đang muốn đánh thuế tài sản đối với nhà trên 700 triệu đồng như dự thảo vừa công bố là chưa hợp lý. Nếu đánh thuế tài sản chỉ nên áp dụng đối với nhà có giá một tỷ đồng trở lên nhằm tránh tạo thêm gánh nặng cho người có thu nhập trung bình thấp trong xã hội.
Theo Pha Lê - Mạnh Quân (VnEconomy.vn)