Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các loại thực phẩm ngoại cao cấp khi giá các mặt hàng này đang rẻ hơn trước nhờ thuế nhập khẩu giảm. Giữa lúc nhiều người dân có thu nhập tăng lên và giới trẻ ăn uống theo phong cách ngày càng "Tây" hơn, kéo theo cơ hội cho thực phẩm ngoại vào Việt Nam.
Dọn đường để vào Việt Nam
Dù Việt Nam đã cho phép nhập khẩu thịt heo từ một số doanh nghiệp (DN) Ireland thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhưng thực tế vẫn chưa có hàng chính thức bán ra thị trường. Tuy vậy, Cơ quan Xúc tiến nông sản và thực phẩm Ireland (Bord Bia) đã sớm thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm.
Mới đây nhất, Bord Bia (tổ chức tập hợp các công ty thực phẩm hàng đầu Ireland) đã mở các lớp học, cuộc thi chuyên đề nấu ăn từ nguyên liệu thịt heo Ireland. Các mặt hàng gồm: ba rọi, sườn non và thăn heo được vận chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không để cung cấp cho học viên và thí sinh. Thông qua cách làm này, Bord Bia có được thông tin nhiều đầu mối tại Việt Nam có nhu cầu mua thịt heo Ireland.
Theo ông Cẩm Thiên Long, Phó Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn thuộc Hiệp hội Du lịch TP HCM, là người đầu bếp chuyên nghiệp, ông rất thích thú khi thử nghiệm các nguyên liệu mới. "Do giống và cách chăn nuôi khác, thăn heo Ireland có thể để nguyên miếng khi chế biến, sau đó trình bày cắt lát rất đẹp mắt. Với thịt nhập khẩu từ EU, chỉ cần nhìn vào nhãn bao bì có thể truy xuất nguồn gốc nên người đầu bếp hết sức yên tâm khi chế biến, không lo ngại các vấn đề về mất an toàn thực phẩm" - ông Long nhận xét.
Cách đây hơn 10 ngày, hệ thống cửa hàng hải sản Hoàng Gia (TP HCM) cũng được Đại sứ quán Ireland hỗ trợ sản phẩm cua nâu và ốc Bulot để tổ chức chương trình "Lễ hội hải sản Ireland", mời người tiêu dùng Việt Nam dùng thử. Theo ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, phân khúc bán lẻ hải sản cao cấp tăng trưởng tốt nhờ Covid-19.
"Nhiều người có thu nhập cao không bị giảm thu nhập do Covid-19 nhưng lại không thể ra nước ngoài du lịch nên tăng mua hải sản cao cấp về ăn tại nhà. Mới đây, chúng tôi nhập khẩu lần đầu tôm hùm Nam Úc thì những con lớn nhất, giá 10 triệu đồng/con lại bán chạy nhất. Bước vào kinh doanh ngành hàng này mới thấy giới nhà giàu Việt Nam hiện rất nhiều" - ông Trường nói.
Tiếp thị qua mạng xã hội
Sau khi Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM và Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố chương trình "United Tastes - Mỹ, vị Hoa Kỳ" vào ngày 18-3 vừa qua, trang Facebook United Tastes đã cập nhật nhằm nâng tầm phát triển thực phẩm và đồ uống của Mỹ tại Việt Nam. Trang này đang tổ chức mini game "Truy tìm "fan cứng" nhà khoai tây Mỹ với câu đố "khoai tây đỏ của Mỹ bên trong ruột màu gì? Kết quả có ngay gần 200 bình luận và gần 200 lượt chia sẻ.
Ngoài Facebook, chương trình còn xuất hiện trên Instagram, YouTube và website… Sáng kiến tiếp thị này dành riêng cho thị trường Việt Nam, nơi có đến 49 triệu người sử dụng mạng xã hội, không chỉ để theo dõi mà còn định hình xu thế.
Bà Nguyễn Thị Bích Trâm, đại diện U.S Meat (Hiệp hội Thịt đỏ của Mỹ) tại Việt Nam, cho rằng trước đây thịt heo Mỹ vào Việt Nam bị trở ngại bởi giá cao. Nhưng từ năm 2020, xuất khẩu thịt heo từ Mỹ sang Việt Nam tăng 5 lần nhờ Việt Nam bị hụt nguồn cung do dịch tả heo châu Phi và chính sách giảm thuế thịt heo Mỹ của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2020.
"Mỹ có 3 mặt hàng heo xuất khẩu chính sang Việt Nam là sườn bẹ, thịt thăn và thịt mông lưng, trong đó sườn bẹ cạnh tranh rất tốt. U.S Meat đang thực hiện các chương trình truyền thông để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm, cách bảo quản và chế biến để món ăn ngon nhất. Chúng tôi cũng kết nối các nhà nhập khẩu Việt Nam với xuất khẩu bên Mỹ để tăng cường giao thương" - bà Trâm chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu bơ sữa Mỹ cũng cho biết sản lượng xuất khẩu sang Việt Nam tăng nhanh chóng trong vài năm gần đây. Vị đại diện hiệp hội này nhận định lạc quan: "Các sản phẩm chế biến từ sữa của Mỹ như: bơ, phô-mai tăng trưởng rất mạnh do giới trẻ ăn uống theo phong cách "Tây" ngày càng nhiều. Người tiêu dùng Việt có thể dễ dàng mua tại cửa hàng, siêu thị chứ không còn phân phối hẹp như trước đây.
Lo mất thị trường nội địa?
Làn sóng thực phẩm ngoại đổ bộ vào Việt Nam sau các hiệp định thương mại tự do là điều đã được dự báo trước. Một chuyên gia về xuất nhập khẩu nhận định rằng xuất khẩu tăng thì Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa. Người tiêu dùng hưởng lợi nhưng một số nhà sản xuất có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Vấn đề đặt ra là DN Việt phải nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ thị trường. Dù sao, DN Việt vẫn có lợi thế về am hiểu thị trường, nếu tận dụng tốt cơ hội vẫn không lo mất thị trường nội địa.
Theo Ngọc Ánh (Nld.com.vn)