Black Friday hay còn gọi là ngày "Thứ Sáu đen tối" được ấn định vào thứ 6 đầu tiên sau ngày Lễ Tạ Ơn (một ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada). Còn với nhà kinh doanh bán lẻ, Black Friday có nghĩa là "siêu giảm giá".
Black Friday trong năm nay diễn ra vào thứ 6 (23.11) và các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá "sốc". Tuy vậy, "siêu giảm giá" không chỉ diễn ra tại các hoạt động mua sắm, mà còn diễn ra ngay trên thị trường chứng khoán trong nước.
"Black Friday" của HSG
Theo đó, sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, phiên giao dịch ngày "Thứ Sáu đen tối" 23.11, thị trường chứng khoán trong nước chịu áp lực bán gia tăng đã quay đẩu giảm. Chỉ số VN-Index tuột mốc 920 điểm trong khi HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,27%) xuống 104,27 điểm với 33 mã tăng và 42 mã giảm. Đáng chú ý trong phiên giao dịch này đến từ cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen do ông Lê Phước Vũ làm chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, HSG bất ngờ giao dịch mạnh trong phiên Black Friday 23.11, tuy nhiên, chịu tác động của cung ngoại khá lớn khiến cổ phiếu này giảm khá sâu, thậm chí có thời điểm rơi xuống mức giá sàn.
Kết phiên, HSG giảm 6,1% xuống 6.950 đồng/CP với khối lượng khớp lên tới 8,92 triệu đơn vị, khối ngoại bán ròng gần 2,6 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần phiên trước đó cho thấy không ít nhà đầu tư đã tham gia bắt đáy trong ngày "Black Friday". HSG cũng là mã dẫn đầu danh mục bán ròng về khối lượng với 2,56 triệu đơn vị, tương ứng giá trị bán ròng 18,45 tỷ đồng.
Dù vậy, với HSG, không chỉ một vài phiên gần đây ghi nhận sự sụt giảm mà chuỗi ngày Black Friday của mã cổ phiếu này đã kéo dài từ khi đạt đỉnh 28.500 đồng/cp vào tháng 6.2017 cho tới thời điểm hiện tại.
Tại mức giá đóng của phiên giao dịch Black Friday năm nay, HSG cũng chính thức mất đi 75,6% thị giá tương đương với 21.550 đồng/cp so với giai đoạn đỉnh điểm giữa năm 2017. Mức giá đóng cửa phiên 23/11 của HSG cũng là thấp nhất kể từ đầu năm 2013 tới nay.
Tài sản của ông Lê Phước Vũ vì thế cũng giảm mạnh chỉ còn chưa đến 400 tỷ đồng, rớt khỏi Top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
"Ôm" nợ nghìn tỷ và kinh doanh bết bát
Sự sụt giảm của mã cổ phiếu HSG của Lê Phước Vũ liên tục lao dốc được xem như hệ quả của việc kinh doanh “bết bát” và vay nợ “đầm đìa”.
Tập đoàn Hoa Sen đã bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tiêu cực về tình hình kinh doanh kể từ đầu năm 2017 khi lợi nhuận không ngừng sụt giảm và mới đây nhất, con số lỗ đậm hơn 100 tỷ mà HSG công bố trong quý cuối cùng của niên độ 2017-2018 đã khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014. Lợi nhuận cả niên độ 2017-2018 của Hoa Sen cũng chỉ còn 410 tỷ đồng, bằng đúng lợi nhuận của năm 2014.
So với đối thủ Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long thì Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã tụt lại rất xa. Trong giai đoạn từ 2014 đến nay, Hòa Phát liên tục tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận. Năm 2017, Hòa Phát thu về gần 47 ngàn tỷ doanh thu, lãi ròng hơn 8.000 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của công ty này là gần 42.000 tỷ đồng, lãi hơn 6.800 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Hoa Sen giảm sâu năm nay là do áp lực lãi vay quá lớn. Trong niên độ 2017-2018, Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đã phải trả mức lãi vay 812 tỷ đồng, trong khi năm trước chỉ là 482 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30.9.2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng chỉ sau 1 năm. Trong đó, vay nợ ngắn hạn là 10.879,9 tỷ và dài hạn là 3.417 tỷ đồng, lần lượt tăng 1.865 tỷ và 626,2 tỷ đồng so với đầu niên độ, tương ứng mức tăng 20,7% và 22%. Tổng lượng nợ vay của Hoa Sen gấp gần 2,8 lần vốn chủ sở hữu của Công ty.
Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ cũng đã phải vay nợ ròng 2.495 tỷ đồng để hỗ trợ cho dòng tiền âm lớn 2.635,8 tỷ đồng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và dài hạn.
Và chuỗi ngày Black Friday chỉ dừng lại khi HSC của ông Lê Phước Vũ có dấu hiệu cải thiện về kết quả kinh doanh và giảm được vay nợ.
Theo Lê Thúy (Dân Việt)