Như đã đưa tin, nhà máy sản xuất soda Chu Lai với công suất 200.000 tấn/năm đặt tại Khu công nghiệp Bắc Chu Lai (Quảng Nam).
Dự án đầu tư 2.300 tỉ đồng vốn, tạo nguồn việc cho 400 lao động tại chỗ, mục tiêu đóng 60 tỉ đồng thuế mỗi năm…
Đây là nhà máy sản xuất soda đầu tiên tại Việt Nam, đặt kì vọng sẽ thay thế hàng nhập khẩu, góp phần chủ động cung cấp nguyên liệu để sản xuất kính xây dựng, thủy tinh, công nghiệp tẩy rửa, bột giấy, giấy...
Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi đi vào hoạt động, hệ thống xả thải của nhà máy đã phát sinh nhiều hệ luỵ gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường xung quanh từ năm 2016.
Sau đó Bộ Tài nguyên - Môi trường đã kiểm tra, yêu cầu khắc phục, đình chỉ hoạt động.
Về việc xảy ra sự cố Công ty Soda Chu Lai cho biết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi lập dự án và đã xin điều chỉnh, đơn vị đã tính toán toàn bộ nước thải và bùn thải công nghiệp từ các tháp chưng cất soda sẽ được bơm ra hai hồ lắng rộng 12ha.
Sau đó nước sẽ được bơm ra sông, bùn thải thì đưa đi nơi khác. Tuy nhiên, thực tế khi vận hành lại nảy sinh các sự cố như: nước thải sau sản xuất có nồng độ pH, nồng độ TS, COD… vượt quá quy chuẩn xả thải và cần phải đầu tư hàng chục tỉ để xử lý.
Việc ngưng hoạt động của nhà máy Soda đã dẫn đến việc hàng loạt các chủ nợ là các ngân hàng đã ứng vốn cho xây dựng nhà máy hải cắt cử người phong toả tài sản, siết nợ chủ đầu tư.
Ông Hà Thạch, Giám đốc Agribank Quảng Nam, một trong những chủ nợ của Công ty Soda Chu Lai, cho biết tình thế rất sốt ruột buộc Agribank phải đẩy nhanh thủ tục thu hồi nợ.
Trong khi đó giám đốc Công ty Soda Chu Lai ông Nguyễn Thái Dũng cũng nói rằng hiện đã có ba đối tác Trung Quốc và một số đối tác trong nước đặt vấn đề tham gia tái đầu tư đưa nhà máy vào hoạt động.
Tuy nhiên nhà máy đang gặp nhiều khó khăn về vốn, việc đầu tư hệ thống xử lý thải theo quy định mới… nên vẫn phải trùm mền, đắp chiếu.
Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)