Để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động tốt, ổn định, PVN cần chú trọng hơn nữa vấn đề nhân lực, đặc biệt là việc chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho việc vận hành nhà máy được ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, vừa qua, PVN đã tổ chức hội thảo để thông tin đến khách hàng và đối tác về xu hướng công nghệ, khả năng sản xuất sản phẩm của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ và tìm phương án tái khởi động dự án. Xơ sợi Đình Vũ được biết đến là một trong số những dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiện đang nằm "đắp chiếu".
Tại hội thảo này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho rằng, việc cần thiết là tiếp tục kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cần giữ thuế suất thuế nhập khẩu 2% với mặt hàng xơ sợi nhập khẩu.
Đồng thời, để Nhà máy xơ sợi Đình Vũ hoạt động tốt, ổn định, PVN cần chú trọng hơn nữa vấn đề nhân lực, đặc biệt là việc chuyển giao, làm chủ công nghệ sản xuất xơ sợi tiên tiến. Chỉ có như vậy mới đảm bảo cho việc vận hành nhà máy được ổn định, lâu dài và hiệu quả.
Trưởng ban Đầu tư của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu thì cho rằng, PVTex đã có sản phẩm và được tiêu thụ tốt. Chỉ tính riêng Vinatex thì có 8 đơn vị đang tiêu thụ khoảng 3.000 tấn xơ/tháng của PVTex và đều phản hồi đánh giá khá tốt như Phú Bài đã xuất sản phẩm sang châu Âu (loại sợi bao chất lượng nhuộm). Do đó, trong thời gian tới khi sản phẩm xơ sợi của PVTex đạt chất lượng thì các đơn vị chắc chắn sẽ sử dụng sản phẩm của PVTex.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên HĐQT Công ty CP Vinatex Nam Định bổ sung thêm, PVTex phải đặc biệt chú ý ổn định chất lượng theo yêu cầu của khách hàng để từ đó khách hàng có thể xác định sản xuất sợi có chất lượng vào các thị trường trọng điểm. Công ty CP Vinatex Nam Định cũng rất mong muốn PVTex sản xuất trở lại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được các chi phí như việc phải trả tiền trước cả tháng mới nhận được xơ từ nước ngoài, chi phí vận chuyển, lưu kho…
Tại hội thảo, một số lãnh đạo từ các đơn vị sản xuất sợi khu vực miền Nam cho biết, các đơn vị đều rất mong chờ PVTex trở lại. Giám đốc một doanh nghiệp chia sẻ: "Các anh đã chạm một tay tới đích, chỉ cần hoàn thiện nốt phần nhuộm là hoàn toàn làm chủ công nghệ sản xuất”.
Trước đó, một báo cáo của Bộ Công Thương đánh giá, dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) hiện đang trong tình trạng "hết sức khó khăn" và nhà máy vẫn chưa khởi động lại. Theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên của PVN (PVFCCo, PVCFC, BSR) đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTEX rà soát đánh giá thực trạng Nhà máy thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Nhà máy. Mặt khác, PVN đã thành lập Tổ hỗ trợ về Kỹ thuật, Tài chính, Thương mại, Pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.
Dự án này do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ trên 75% vốn cổ phần, tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương gần 7.000 tỷ đồng) nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014 đã liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất.
Dự án đã chậm tiến độ tới 2 năm, khi đi vào hoạt động, vận hành khoảng 7 tháng đã lỗ hơn 1.085 tỷ đồng, doanh thu không đủ bù chi phí tối thiểu. Theo báo cáo, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ trên 3.000 tỷ đồng của nhà máy. Số tiền ít ỏi hiện chỉ đủ để duy trì bộ máy, trả lương công nhân, lãnh đạo, kế toán, hành chính và cả bảo vệ.
Báo cáo tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ diễn ra hồi tháng trước, lãnh đạo PVN cho biết, do nhà máy đã trong trạng thái tĩnh 22 tháng rồi nên để khởi động lại thì sẽ mất thêm khoảng 1 năm để khảo sát, đánh giá lại, chưa kể hiện nhân sự đi hết nên phải đào tạo lại. Về kinh phí trước xác định là 249-256 tỷ đồng, trong đó 127 tỷ đồng trả nợ cũ, bảo dưỡng đào tạo 17 tỷ đồng, thuê chuyên gia…
Theo Phương Dung (Dân Trí)