Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ việc điều chỉnh tăng giá điện.
Yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Văn bản được gửi đến Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cho biết vừa qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây nhiều bức xúc cho người dân.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ đúng, sai trong việc tăng giá điện và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6.
Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện. Ông yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.
Những câu hỏi về giá điện
Các chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giá điện xuất phát từ những bức xúc của dư luận sau khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 4, ngay sau đợt điều chỉnh giá của EVN. Mặc dù tập đoàn công bố giá điện điều chỉnh chỉ tăng hơn 8%, nhiều hộ gia đình phản ánh mức tăng chi phí tiền điện lên tới 2-3 lần.
Các chuyên gia chỉ ra điểm bất hợp lý trong phương pháp tính giá 6 bậc hiện tại, với nhiều bậc quá nhỏ, và ở mức thấp, trong khi nhu cầu sử dụng của người dân ngày một tăng cao.
Ngày 29/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản trả lời chính thức về một số nguyên nhân làm hóa đơn tiền điện tăng.
EVN cho rằng nhu cầu dùng các thiết bị điện giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh trong thời gian qua tăng cao.
Theo đó, tại miền Nam và Tây Nguyên bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C. Tại miền Bắc cũng chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C.
EVN cho biết ngày cao nhất, TP.HCM tiêu thụ hết 90 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh năm 2018 và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày tiêu thụ thấp nhất là 6/2 với 35,5 triệu kWh.
Theo lý giải của đơn vị này, việc tăng tiền điện gồm nhiều nguyên nhân. Trong đó do tăng cơ học (chênh lệch số ngày) là 10,71%; tăng do nắng nóng là khoảng 16%; còn lại tăng do điều chỉnh giá.
Nếu khách hàng càng sử dụng nhiều điện thì mức tăng tiền điện càng lớn.
EVN cũng cho biết đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công khai minh bạch việc ghi chỉ số. Tập đoàn cũng yêu cầu thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề.
Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)