Thủ tướng: Tham tán không thể ngồi chờ doanh nghiệp tới 'nhờ' giúp

07/02/2018 14:35:49

Lãnh đạo Chính phủ cho rằng các thương vụ cần 'vượt qua tư duy nhiệm kỳ' để chủ động hơn trong công tác cầu nối.

Tham dự hội nghị tham tán thương mại 2018 ngày 7/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, ngoài những nỗ lực của các thương vụ khi góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2017 lần đầu đạt 425 tỷ USD, tham tán thương mại Việt Nam vẫn còn những hạn chế khi 'vẫn còn ngại khó, lo việc nhà hơn việc nước, hời hợt, ít am hiểu thị trường'.

"Tham tán thương mại không thể thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến 'nhờ' giúp, mà phải chủ động làm việc với đối tác sở tại để có thông tin can thiệp và hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trong nước", Thủ tướng nói.

Trong bối cảnh kinh tế xã hội thế giới chuyển biến nhanh và khó lường, để hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD, đòi hỏi mỗi cá nhân, thương vụ chủ động sáng tạo, quyết liệt, tìm hiểu thị trường cần gì, tiêu chuẩn ra sao, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thủ tướng: Tham tán không thể ngồi chờ doanh nghiệp tới 'nhờ' giúp
Thủ tướng cho rằng, tham tán thương mại cần loại bỏ "tư duy nhiệm kỳ, e ngại việc khó" trong công việc của mình. Ảnh: VGP

Kể câu chuyện một vị tham tán thương mại Nhật Bản luôn xông xáo, lăn lộn đi nhiều địa phương, hiểu biết pháp luật Việt Nam, sắc sảo trong đấu tranh khi có cản trở thương mại Nhật Bản - Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đây là tấm gương các tham tán thương mại Việt Nam cần học hỏi.

"Chúng ta có làm được điều đó không? Chúng ta có lăn lộn được vậy không? Chúng ta còn hời hợt quá hay không? Tôi nói điều này để các đồng chí suy nghĩ", ông đặt loạt câu hỏi và yêu cầu các tham tán thương mại Việt Nam cần tránh tư tưởng "nước chảy bèo trôi, cưỡi ngựa xem hoa" trong công tác tham tán. Vì thế, lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp xử lý cần thiết, thuyên chuyển những cán bộ làm tham tán thương mại ở các nước mà không biết làm việc.

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, thương vụ cần chủ động hơn để là "cầu nối" giúp doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường các nước sở tại khó tính trước bối cảnh độ mở thị trường ngày càng lớn.

Dù không còn cần thương vụ "cầm tay dắt đi" tìm thị trường như trước, nhưng theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), vai trò của thương vụ với ngành này vẫn là mối quan hệ khăng khít.

"Doanh nghiệp dệt may Việt khá bỡ ngỡ sau 30 năm quay lại những thị trường xuất khẩu truyền thống, như Nga, các nước Đông Âu... nên rất cần những thông tin cập nhật về xu hướng thị trường, chính sách thuế, môi trường, sản phẩm... từ các thương vụ sở tại", CEO Vinatex nói và đưa ra 5 "đơn đặt hàng" của ngành này với các thương vụ tại từng thị trường, châu lục. "Nếu được thương vụ trợ giúp sát sao hơn nữa chắc chắn kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ không chỉ dừng lại mốc gần 34 tỷ USD như kế hoạch", vị này tự tin. 

Hiện Việt Nam có 57 thương vụ (thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 chi nhánh thương vụ tại nước ngoài phân bổ tại 3 khu vực châu lục trên toàn cầu với lượng biên chế là 122 người trong tổng số 139 biên chế được giao. 

Trước độ mở thị trường xuất khẩu ngày càng lớn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, tính bao quát trong hoạt động của thương vụ chưa cao, chưa bao quát hết công việc... Ông Tuấn Anh khẳng định, cơ quan này sẽ quán triệt, đặt ra yêu cầu mới với tham tán thương mại để "giảm tối đa biểu hiện tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cá nhân trong mỗi tham tán".

"Bộ Công Thương sẽ có những đong đếm cụ thể chất lượng hiệu quả công việc của các thương vụ gắn với sự hài lòng địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và tham mưu chính sách", ông nhấn mạnh.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật