Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Trong đó, Quyết định sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo quy định mới, các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định như đối với dự án điện mặt trời nối lưới.
"Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí", Quyết định nêu rõ.
Điều này có nghĩa, nếu cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ thuế trị gia tăng là 2%. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
Giá mua bán điện đối với dự án trên mái nhà cho năm tiếp theo được xác định trên cơ sở tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày công bố tỷ giá cuối cùng của năm trước.
Trước khi Quyết định 11 được sửa đổi như kể trên, điện mặt trời áp mái chưa thể triển khai rộng, EVN chưa thể mua điện của người dân. Lý do là Bộ Tài chính có ý kiến về một nội dung tại Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời.
Theo Quyết định 11, các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, lượng điện phát ra từ các dự án trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định.
Có nghĩa, nếu hộ dân sản xuất được 300 “số điện” điện mặt trời và chỉ sử dụng 100 “số điện” của EVN, thì EVN sẽ trả tiền 200 số điện cho hộ gia đình đó với mức giá 2.086 đồng/số điện.
Cho nên, Bộ Tài chính yêu cầu sửa lại nội dung này vì không phù hợp các luật về thuế.
Bộ Tài chính hướng dẫn rằng, theo quy định của các luật thuế hiện hành, trường hợp cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời có nhận điện từ lưới điện quốc gia, thì cá nhân, hộ gia đình không được bù trừ trực tiếp lượng điện bán ra và lượng điện mua vào từ lưới điện quốc gia để tính toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Nếu cá nhân, hộ gia đình thực hiện dự án điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân với tỷ lệ thuế trị gia tăng là 2%. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.
Điện mặt trời trên mái nhà được cho là cứu cánh, giúp giảm nguy cơ thiếu điện. Nếu một gia đình lắp 5 kW thì ban ngày hộ đó sẽ dùng điện mặt trời, giảm tiêu thụ điện của EVN, giảm tiền thanh toán cho EVN. Trường hợp hộ đó ban ngày đi làm, không dùng đến điện, thì lượng điện đó tự động được lưới điện của EVN tiếp nhận hết và có công tơ hai chiều để đo. EVN sẽ thanh toán cho hộ gia đình đó theo giá điện nhà nước quy định là 2.086 đồng/kWh.
Với cơ chế đó, những gia đình dùng 300-400 số điện/tháng trở lên thì thời gian hoàn vốn rất nhanh khi chi phí lắp điện mặt trời áp mái ngày càng rẻ.
Theo Lương Bằng (VietNamNet)