Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát để giảm mạnh giá thành, trong đó có vấn đề hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động.
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các Bộ, ngành chức năng để thảo luận và đề xuất những vấn đề quan trọng về quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, tối 22/1.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngay trong năm nay Tập đoàn Điện lực phải tạo ra được chuyển biến, có con số cụ thể và công bố công khai việc giảm chi phí.
|
Ảnh minh họa |
Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo EVN phải thừa nhận đang loay hoay tính kế xử lý khoản lỗ gần 17.000 tỉ đồng trong năm 2015. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (ERAV) cho biết, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) phải xử lý xong khoản tiền này mới có thể tính đến khả năng giảm giá điện.
Trước áp lực trả nợ, EVN kiến nghị Bộ Công thương bổ sung các chi phí như tăng giá khí, tăng thuế tài nguyên… vào giá điện năm 2015.
Liên tục xin cơ chế ưu đãi, báo lỗ để xin tăng giá. Cụ thể, đối với khoản 8.800 tỷ lỗ do chênh lệch tỷ giá, theo quy định của Chính phủ thì khoản này phải phân bổ xong vào năm 2015, nhưng EVN sẽ xin cho hoãn tiếp một thời gian vì đây chỉ là chế độ kế toán.
Cùng với đó, một số chi phí thanh toán cho Petro Vietnam do giá khí tăng cũng xin chậm lại.
Nhưng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014 nêu rõ công ty mẹ và các đơn vị đều có lợi nhuận nhưng tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ước đạt khoảng 300 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ bằng 0,2%.
EVN cũng đang được cho là bị ràng buộc bởi những hợp đồng đã ký kết và phải mua điện giá cao từ Trung Quốc nên phải bán giá cao. Thậm chí chịu chất lượng điện áp mua từ Trung Quốc không ổn định, độ tin cậy thấp, hay xảy ra các sự cố.
Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng giữa EVN và Công ty lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSD), liên kết bằng cấp điện áp 220kV và 110kV.
Hợp đồng mua điện của Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua.
Nếu không mua sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn cung cấp trong nước dồi dào vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều đáng nói, Việt Nam mua điện giá cao từ Trung Quốc, trong khi điện trong nước lại đang ế.
Thực tế trên được ông Vũ Ngọc Cừ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai chỉ rõ khi nói về những thiệt thòi của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phải chịu khi hòa lưới điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Theo ông Cừ, đến nay EVN vẫn mua điện của Trung Quốc với giá cao từ 1.500-1.600 đồng/kW nhưng lại ép giá các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chỉ bằng một nửa, ở mức 800-900 đồng/kW.
>> Không tăng giá điện trước Tết Nguyên đán
Theo An An (Đất Việt)