Trên chợ mạng và các group bán hàng online, rất nhiều tiểu thương công khai thu mua loại lá tre bát độ, hay còn gọi là lá bương, với số lượng không giới hạn. Đây là loại cây mọc hoang, được trồng rất nhiều ở vùng cao và cả đồng bằng.
Anh Trần Văn Hải ở Lạng Sơn cho biết, mấy năm nay, nhà anh chuyên thu mua, sơ chế, tinh chế các loại lá gói bánh. Trước đây, người dân chỉ lấy cây tre về làm nhà, làm bếp, làm củi, làm lạt gói bánh còn lá bỏ đi. Nhưng vài năm lại đây, lá tre tươi được nhiều người đi lấy về và thu mua rồi bán lại cho các thương lái xuất khẩu sang Đài Loan với giá 10.000 đồng/kg lá tre tươi và 40.000 đồng/kg lá tre khô.
“Bản thân mình và người nhà cũng chẳng bao giờ nghĩ lá tre lại có thể bán được ra nước ngoài. Cho đến khi một đầu mối mua lá tre về gói bánh cổ truyền ở Đài Loan liên hệ thì mình mới biết lá tre có thể bán và xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, nhà mình đi lấy lá tre về bán. Khi gom không đủ thì thuê thêm nhân công và rao lên mạng để thu mua lá tre ở các địa phương khác với số lượng bất kỳ”, anh Hải chia sẻ.
Theo anh Hải, với lá tre tươi, anh thu mua với giá từ 7.000-10.000 đồng/kg. Còn lá tre khô, anh thu mua với giá 35.000-40.000 đồng/kg. Tất cả phải là lá tre bát độ (hay còn gọi là bương). Những cân lá tre được thu mua đều đảm bảo tiêu chí chất lượng, lá phải to, không bị rách, còn xanh màu và tuyệt đối không úa vàng. Mỗi lá có chiều dài khoảng 38-40cm, rộng từ 8cm trở lên.
“Tre bát độ rất khác với lá tre thường. Chúng có kích cỡ to hơn hẳn. Khi mua về, lá tre tươi sẽ được phơi nắng khoảng 2 nắng. Sau đó, lá được đếm rồi kẹp vào thanh nứa. Lúc này mới lau khô sạch sẽ, đem lá tre vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao”, anh Hải kể.
Những chiếc lá tre được làm sạch hoàn toàn bằng biện pháp tự nhiên, không hóa chất sẽ được xuất khẩu sang Đài Loan để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm... và được người dân nước này rất yêu thích do mùi vị thơm ngon và để được lâu.
“Loại bánh mà bên Đài Loan hay gói bằng lá tre bát độ giống như bánh chưng Việt Nam. Tuy nhiên, do được gói bằng lá tre nên bánh có mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, loại bánh gói từ loại lá này rất dễ bóc, lại để được lâu và không nhanh thiu như lá rong, lá chuối”.
Từ cuối tháng 4 đến tháng 10 Dương lịch hàng năm là mùa thu mua lá tre bát độ. Do đó, rất nhiều facebook cá nhân lên các group rao bán, thu mua lá tre tươi và khô với số lượng không hạn chế. Ở đó, không khí rôm rả bởi nhiều người trồng tre, nứa ở các nơi hỏi giá thu mua cũng như quy cách hướng dẫn thu hái, vận chuyển lá tre tươi, khô.
Để hợp tác làm ăn lâu dài, tất cả những cơ sở đăng ký bán lá tre tươi, khô anh Hải đều tìm đến tận nơi thu gom, kiểm tra. “Mình phải xuống tận nơi hướng dẫn các cơ sở là cá nhân thu hái lá tre phải đảm bảo những chiếc lá không rách, màu xanh đẹp và đặc biệt phải to. Đến tận nơi để xem cụ thể mặt hàng một lần. Lần sau, họ cứ làm như vậy thì tôi mới quyết định thu mua, tránh mất thời gian của hai bên”, anh nói.
Hiện ở Yên Bái, Bắc Giang, Thanh Hóa, Sóc Sơn - Hà Nội... có rất nhiều người dân trồng tre bát độ, cây bương. Họ chỉ dùng cây còn lá thì bỏ không. Vì thế, anh đến hướng dẫn cách thu hái lá và hiện họ trở thành những đại lý, giúp cơ sở anh thu mua lá tre tươi, khô đến vài tạ/ngày ở địa phương.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)