Môi giới đi lao động Đài Loan: Phí cao, lao động vẫn “nhắm mắt” đi

26/06/2017 16:07:00

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTBXH báo cáo về tình trạng thu phí cao với các lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan, nhiều lao động đã phản ánh với phóng viên Báo NTNN về việc bị thu phí cao mà vẫn phải chấp nhận.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐTBXH báo cáo về tình trạng thu phí cao với các lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Đài Loan, nhiều lao động đã phản ánh với phóng viên Báo NTNN về việc bị thu phí cao mà vẫn phải chấp nhận.

Chị Nguyễn Thị Nhài (Nam Định) cho biết, năm 2014 chị tham gia đăng ký đi làm việc tại Đài Loan qua Công ty Cienco 8. Chỉ sau 1 tháng học tiếng, chị được tuyển chọn và đi XKLĐ luôn. “Mặc dù mới chỉ học một tháng, chỉ nắm được một vài câu cơ bản nhưng khi trúng tuyển, doanh nghiệp (DN) vẫn sắp xếp cho mình đi luôn. Tuy nhiên, có lao động học 3-4 tháng cũng chưa đi được” – chị Nhài nói.

moi gioi di lao dong dai loan:  phi cao, lao dong van “nham mat” di hinh anh 1

Lao động Nguyễn Hữu Hùng (Thanh Hóa) làm việc cho một nhà máy ở huyện Bình Đông, Đài Loan (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Nhài cho biết, lúc đi chị phải trả phí tới 6.300 USD (hơn 140 triệu đồng), nhưng công ty chỉ ghi hóa đơn có 4.800 USD theo quy định của Nhà nước về lệ phí đi XKLĐ ở nước bạn. Số còn lại công ty thu nhưng không có hóa đơn, cũng không giải thích là thu với mục đích gì. “Mình có thắc mắc nhưng công ty không giải thích, chỉ nói là nếu muốn đi thì phải nộp đủ tiền và ký vào hóa đơn là chỉ phải nộp 4.800 USD (hơn 100 triệu đồng) thôi, còn nếu không ký thì không cho đi. Thậm chí mình và một số lao động khác còn bị họ bắt quay video làm bằng chứng về việc họ chỉ thu phí 4.800 USD theo đúng quy định” – chị Nhài nói.

Chị Nhài kể lại, sau 3 năm làm việc trong một công ty đóng gói ở Đài Bắc, chị cũng không tích cóp được bao nhiêu. Với mức lương khoảng 15-16 triệu đồng/tháng, khi trừ phí môi giới (2 triệu đồng/tháng), tiền ăn, tiền ở, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… chỉ còn tầm 7-8 triệu đồng. Tính ra, như chị, để trả hết khoản tiền vay ngân hàng phải mất tới gần 2 năm làm việc. “Lương thấp, công việc vất vả nên tháng 12.2016, dù còn 2 tháng nữa mới hết hợp đồng nhưng mình vẫn xin chấm dứt hợp đồng để về nước. Giờ đang tính sang lại nhưng hoang mang quá, không biết nên đi theo công ty nào nữa” – chị Nhài băn khoăn.

Chỉ cần nhiều tiền là có thể đi nhanh

Có thể nói hệ thống “cò” môi giới XKLĐ thị trường Đài Loan khá dày đặc. Theo chị Nhài, mặc dù Công ty Cienco 8 đã giải thể, nhưng mới đây (ngày 20.2.2016) chị có ra Hà Nội tham khảo một vài công ty để sang Đài Loan làm lại thì vẫn gặp lại nhưng “cò” môi giới cũ từ 4 năm trước.

Thậm chí, theo một số lao động, có công ty sau một thời gian hoạt động, thu phí cao bị lao động “tẩy chay” đã nhanh chóng xin đổi tên, chuyển trụ sở. Thậm chí, có “cò” môi giới trong túi lúc nào cũng có 3-4 hợp đồng của lao động. Lao động thích đi trước được đi trước, thích đi công ty nào đều được, chỉ cần trả phí môi giới cao một chút. 

Mặc dù mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu chấn chỉnh việc thu phí của các doanh nghiệp Đài Loan nhưng không vì thế mà các doanh nghiệp giảm trừ tiền phí môi giới cho người lao động.

Cũng theo ông Tuấn, sau đăng ký khoảng 1 - 1,5 tháng lao động có thể sang Đài Loan nếu được chọn. “Nếu được công ty lựa chọn, thời gian học tiếng, làm thủ tục… có thể được rút gọn, đơn giản nhất có thể. Lao động không cần học tiếng nhiều, bởi sang Đài Loan có khá nhiều lao động Việt Nam nên họ cũng sẽ nhanh thích nghi hơn” – ông Tuấn nói.Ông Đăng Văn Tuấn – Giám đốc Công ty XKLĐ Bảo Sơn cho hay, hiện nay mức phí đi XKLĐ Đài Loan dao động khoảng 3.500 - 5.500 USD (80-123 triệu đồng). Một số đơn hàng như dệt may, da giày, thực phẩm có phí cao hơn do đơn hàng này nhiều việc, lao động được làm tăng ca, lương cao. “Mức lương cơ bản của lao động tầm 14 - 16 triệu đồng/người/tháng, chưa trừ khoản phí môi giới, nhà ở, ăn, tiền bảo hiểm… Chỉ một số ít doanh nghiệp có hỗ trợ tiền ăn cho người lao động” – ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là lời chào mời của phía DN. Một số lao động đang làm việc ở Đài Loan cho biết, họ gặp trái đắng khi tin lời DN. Lao động Nguyễn Thị Hiền (Hải Dương) sang Đài Loan làm việc được gần 2 năm nhưng làm mãi vẫn chưa đủ bù đắp chi phí đi. “Nhà nghèo, mình phải vay ngân hàng gần 200 triệu  đồng làm thủ tục đi Đài Loan. Thế nhưng làm gần 2 năm vẫn chưa đủ tiền trả nợ. Lúc đầu công ty quảng cáo, hứa hẹn nhiều lắm. Nói lương cao, chế độ đãi ngộ tốt, có nhiều việc làm thêm, nhưng sang đây thu nhập hoàn toàn khác” – chị Hiền tâm sự.

"Đài Loan là 1 trong 3 thị trường trọng điểm, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất. Tuy nhiên, hiện nay lao động không chỉ bị thu phí cao ở trong nước, mà kể cả khi sang làm việc vẫn phải đóng phí môi giới. Theo tôi, nên cung cấp thông tin về đơn hàng, DN tại Đài Loan tiếp nhận cùng chính sách, lương thưởng cho lao động để họ chủ động tìm kiếm việc làm phù hợp”.

Ông Nguyễn Thanh Hòa – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH

 

Gần 50% tổng số lao động đi XKLĐ là sang Đài Loan

Sau 18 năm đưa lao động sang Đài Loan làm việc, tới nay Việt Nam đã đưa hơn 551.000 lượt người sang làm việc tại đây. Chủ yếu là lao động làm ở công xưởng, giúp việc nhà và khán hộ công bệnh viện. So sánh với các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam là Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông và Hàn Quốc thì Đài Loan là thị trường tiềm năng nhất, chiếm 49,43% số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài trong 7 năm gần đây. So với các quốc gia phái cử khác, lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động phía Đài Loan đánh giá là chăm chỉ, cần cù và thông minh. Lao động Việt Nam được chủ Đài Loan sử dụng khá cao, luôn giữ vị trí thứ 2, thứ 3 trong số 6 nước phái cử lao động. Thu nhập cơ bản của lao động Việt Nam tại Đài Loan  khoảng 700 - 834 USD/tháng (khoảng 15-18 triệu đồng).

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH)

Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)

Nổi bật