CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài vừa thông qua Nghị quyết thành lập công ty con vốn 100 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kho bãi và vận chuyển hàng hóa.
Thế Giới Di Động cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ tại MWG thêm 800 tỷ đồng và tăng vốn điều lệ cho CTCP Thương Mại Bách Hóa Xanh thêm 3.200 tỷ đồng. Đồng thời, tái cấu trúc khoản vốn tại Bán lẻ An Khang, theo đó MWG sẽ chuyển toàn bộ cổ phần đang nắm giữ cho CTCP Thương mại Bách Hóa Xanh.
Doanh nghiệp của ông Tài tính đầu tư cho chiến lược đường dài trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận hồi phục mạnh mẽ ngay trong thời điểm khó khăn nhất. Lợi nhuận tăng lên tỷ đồng nhờ nhận được hỗ trợ thiện chí của hầu hết chủ nhà, ngoại trừ số rất ít còn lại.
Trong 9 tháng, Thế Giới Di động (MWG) ghi nhận mức tăng trưởng dương. Doanh thu thuần đạt hơn 86,8 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.338 tỷ đồng, tăng lần lượt là 7% và 12%.
Thế Giới Di động ghi nhận kênh online tăng trưởng mạnh, với hơn 9.300 tỷ đồng.
Mảng bán hàng hóa tiêu dùng thực phẩm Bách Hoá Xanh tiếp tục tăng trưởng. Lũy kế 9 tháng mảng này đạt hơn 22,6 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Thời gian qua, 'scandal' liên quan tới việc Thế giới Di động (MWG) tự động giảm tiền thuê mặt bằng gây ra nhiều tranh cãi. Dù vậy, cổ phiếu MWG vẫn trong chiều hướng đi lên. Cổ phiếu này tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua, từ mức 70.000 đồng/cp lên mức 130.000 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao kỷ lục của cổ phiếu này.
Không chỉ MWG, cổ phiếu Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang (đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart) cũng ghi nhận cổ phiếu bứt phá liên tục lên đỉnh cao nhờ triển vọng của mảng tiêu dùng và bán lẻ cũng như cơ hội mở rộng thị phần trong giai đoạn khó khăn.
Trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hàng, tiền thuê giảm khá mạnh thì đây là cơ hội cho các đại gia bán lẻ săn mặt bằng đẹp giá thấp. Bách Hoá Xanh gần đây liện tục đẩy mạnh mở rộng độ phủ để giành thị phần từ chợ truyền thống. Hệ thống Vinmart của ông Nguyễn Đăng Quang gần đây cũng cũng liên tục đăng tin tìm kiếm mặt bằng kinh doanh.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 5/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền vào thị trường vẫ rất lớn. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ lên trên ngưỡng 1.450 điểm.
Theo MBS, tâm lý thị trường vững, mức dao động ở VN-Index hẹp và độ rộng tích cực củng cố cho khả năng thị trường chỉ là nhịp rung lắc, chốt lời thuần túy ở phiên giảm 4/11. Tuy vậy, cơ hội vẫn không ở nhóm VN30 mà quay lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Đáng chú ý là dòng tiền liên tục xoay vòng, từ nhóm cổ phiếu bất động sản sang nhóm ngân hàng, chứng khoán,… và rất có thể là tiếp tục đến nhóm dầu khí, cảng biển, vật liệu xây dựng,… Điều đó cho thấy dòng tiền chốt lời không dời bỏ thị trường mà liên tục tìm các cơ hội mới, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu đầu cơ.
Theo YSVN, VN-Index và VN30 có thể kiểm định lại ngưỡng 1.464 điểm và 1.536 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy, dòng tiền ngắn hạn tiếp tục phân hóa và liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, rủi ro ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng.
Chốt phiên chiều 4/11, chỉ số VN-Index tăng 4,04 điểm lên 1.448,34 điểm. HNX-Index tăng 6,72 điểm lên 422,42 điểm. Upcom-Index tăng 0,41 điểm lên 107,38 điểm. Thanh khoản đạt 33,8 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 27,9 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)