Phát biểu tại Hội nghị “Tín dụng đối với bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngày 13/12, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tính tới 30/9 đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị trường BĐS vẫn còn gặp khó khăn vướng mắc. Trong đó vướng mắc lớn nhất là về mặt pháp lý (chiếm tỷ trọng 70%).
Về nguồn vốn cho thị trường thị trường bất động sản, vốn tín dụng từ ngân hàng là một nguồn quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay các kênh huy động vốn khác đang gặp nhiều khó khăn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thị trường mất cân đối cung cầu lớn. Nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Trong khi đó, phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế, rất ít những căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Về phía cầu, nhu cầu vay mua nhà của người có thu nhập thấp, công nhân vẫn rất thấp. “Vì có người có nhu cầu nhà ở nhưng họ lại không thể có điều kiện để vay được vì thu nhập rất thấp. Mà nhu cầu này cần phải được giải quyết bằng cơ chế, chính sách khác”, bà Hồng nói.
Đối với cầu mua nhà để đầu tư, Thống đốc cho rằng, vấn đề niềm tin vô cùng quan trọng. Niềm tin sẽ giải quyết bằng yếu tố pháp lý. Nếu pháp lý được giải quyết thì nhà đầu tư sẽ yên tâm khi mua nhà. Ngoài ra, tính minh bạch của các dự án hay vấn đề về giá cũng có thể khuyến khích cầu đầu tư vào nhà ở.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Thống đốc đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu nhất là đối với các dự án nhà ở xã hội hay các vấn đề giải ngân, cấp tín dụng, giải pháp về tín dụng, lãi suất…
Thống đốc cũng yêu cầu doanh nghiệp phải quản trị hoạt động, cân đối giữa mục tiêu lợi nhuận, cơ cấu sản phẩm, cân nhắc về giảm giá bán…
Về các ý kiến của đại diện doanh nghiệp liên quan đến đề xuất về nguồn vốn tín dụng, vấn đề cho vay, các thủ tục, lãi suất, tài sản đảm bảo… Thống đốc đề nghị các TCTD cân đối nguồn vốn của mình để tích cực cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế nói chung, trong đó có thị trường bất động sản nói riêng.
Đặc biệt đối với hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp cũng cần đánh giá, rà soát để khuyến khích doanh nghiệp. Song khi cho vay các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực trong ngành bất động sản thì TCTD phải ưu tiên các giới hạn về đảm bảo tỷ lệ an toàn.
Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục xem xét, rà soát thủ tục để rút ngắn nhất có thể thời gian phê duyệt tín dụng, nhưng đồng thời cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải sẵn sàng minh bạch các hồ sơ, rất rõ ràng và lành mạnh trong hoạt động, hợp tác với các TCTD để hai bên cùng bàn bạc, thống nhất với nhau.
Đối với lãi suất, doanh nghiệp bao giờ cũng mong muốn lãi suất tiếp tục giảm. Thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay cũ và mới đều giảm. Nhưng có thể chưa giảm đồng đều do lãi suất cho vay cũng phải theo các kỳ hạn của người gửi tiền.
Ngân hàng huy động chủ yếu là vốn ngắn hạn, phải tuân thủ quy định về giới hạn an toàn là rất quan trọng.
Đối với vấn đề tài sản đảm bảo, Thống đốc cho biết, đây là vấn đề do TCTD và khách hàng thỏa thuận, không có quy định bắt buộc khoản nào, quan trọng nhất là dựa vào tính khả thi của doanh nghiệp. Do đó, bản thân các doanh nghiệp khi vay vốn việc chứng minh dự án khả thi, chứng minh dòng tiền vào tài sản trả nợ là rất quan trọng.
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)