Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay đến cuối năm đồng Việt Nam mới mất giá 1,1-1,2%. Sang năm 2017, áp lực tăng lãi suất cao.
Về điều hành lãi suất, ông Hưng cho biết từ đầu năm 2016, Việt Nam đứng trước áp lực khó giữ ổn định mặt bằng lãi suất do chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, mức tương đối cao. Chưa kể, nhu cầu vốn đầu tư, đặc biệt vốn đầu tư trung, dài hạn của nền kinh tế cũng gia tăng ngay từ đầu năm. Năm nay lại là năm đặt mục tiêu phát hành trái phiếu Chính phủ lớn hơn, kỳ hạn dài hơn nên đã tác động tới lãi suất.
“Dù vậy, chúng ta vẫn đặt mục tiêu kiểm soát ổn định mặt bằng lãi suất. Kết quả là chúng ta đã giữ ổn định được mặt bằng lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay đến cuối năm 2016”, ông Lê Minh Hưng nói.
Cụ thể, bình quân lãi suất cho vay đã giảm 0,5-1%. Ông Hưng đánh giá đây là dấu hiệu tích cực cho việc duy trì tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đồng thời cũng thể hiện nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng, các bộ, ngành trong chỉ đạo, điều hành vĩ mô.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay đến cuối năm đồng Việt Nam mới mất giá 1,1-1,2%. Ảnh: V.D. |
Nói về việc điều hành chính sách tiền tệ, ông Hưng nhận định điểm sáng nhất là điều hành tỷ giá. Thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong năm 2016 rất ổn định, củng cố lòng tin vào đồng Việt Nam của các nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tất cả nhu cầu thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ngoai hối đều được đảm bảo bất chấp những diễn biến bất thường, tác động mạnh tới nền kinh tế các nước như Brexit, bầu cử Tổng thống Mỹ… Trong khi đồng tiền của nhiều nước, đặc biệt các nước trong khu vực mất giá, thậm chí mất giá mạnh, thị trường ngoại hối các nước cũng biến động thì thị trường ngoại tệ của ta vẫn ổn định. Hơn nữa, lãi suất ổn định làm tỷ giá của ta không biến động mạnh.
“Tính đến nay, đồng Việt Nam mới chỉ mất giá 1,1-1,2%. Cuối năm, nhu cầu ngoại tệ cao, nhưng cơ bản thanh khoản ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định. Tôi cho rằng đây là điểm rất tích cực”, ông Hưng đánh giá.
Tăng trưởng tín dụng năm 2016 đạt khoảng 18,5%, đảm bảo mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, tăng trưởng dàn đều trong các tháng. Cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn...
“Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017”, ông Hưng thừa nhận.
Năm 2017, áp lực tăng lãi suất cao. Ảnh minh họa. |
Năm 2017 chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn. Vì vậy, ông Hưng cho rằng chính sách tiền tệ phải đặt mục tiêu rất linh hoạt, kiểm soát được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
“Chúng tôi đánh giá tỷ giá, thị trường ngoại tệ năm 2017 sẽ đứng trước nhiều thách thức. Dự kiến năm 2017 áp lực tăng lãi suất để đạt mục tiêu tăng trưởng cao đòi hỏi việc điều hành lãi suất phải linh hoạt, bám sát các cân đối vĩ mô, tiền tệ để kiểm soát mặt bằng lãi suất; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất trung, dài hạn; ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ”, ông nói thêm.
Trước thực tế này, ông Hưng đưa ra hàng loạt giải pháp về điều hành tín dụng như kiểm soát quy mô tín dụng hợp lý bảo đảm an toàn, hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn; tập trung tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ...
“Trong năm tới, có thể Chính phủ phát hành trái phiếu ít hơn năm 2016. Vì vậy, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đạt mục tiêu việc phát hành trái phiếu không gây tác động đến thanh khoản và hoạt động của các ngân hàng”, ông nhấn mạnh đồng thời kiến nghị một số vấn đề như Chính phủ phải kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát để giữ sự bền vững của nền kinh tế; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ.
Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính xác định cụ thể số lượng, kỳ hạn, thời điểm, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ để Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ hơn trong điều hành thanh khoản. Các Bộ, ngành phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt... để ổn định thị trường. Ngoài ra, ông cũng đề nghị triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng: Thống đốc trẻ nhưng điều hành mạnh dạn Sau phần phát biểu của Thống đốc Lê Minh Hưng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ông là người trẻ tuổi, nhưng điều hành rất mạnh dạn, rất tốt. “Năm nay sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa rất khớp, chính sách tiền tệ rất đúng đắn, chủ động, không để cú sốc nào xảy ra. Tổng mức tín dụng tăng cao (17-18%), dự trữ ngoại hối cao nhất ở mức 41 tỷ USD. Hiện nay, các đồng chí đang tích cực xử lý các ngân hàng yếu kém”, Thủ tướng dẫn chứng đồng thời yêu cầu Bộ Công an, các Bộ, ngành khác phải có sự phối hợp tốt với Ngân hàng Nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém trong thời gian tới. Nhất trí với kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô của ông Lê Minh Hưng, Thủ tướng cho rằng về gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao, không phải một ngân hàng làm được mà các ngân hàng thương mại đều phải tham gia để tránh độc quyền. “Tốt nhất là giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam ở mức tốt nhất, từ đó người ta đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn. Lãi suất hạ xuống ở mức độ nào là bài toán vô cùng hóc búa với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017. Nếu giảm được 0,5% thì nền kinh tế sẽ ra sao, phải tính toán cái này”, Thủ tướng chỉ đạo. |