Thời trang Thái chen chân vào Việt Nam

27/04/2015 14:39:08

Thời trang Thái vào VN theo sự phát triển hệ thống bán lẻ siêu thị, trung tâm thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thương hiệu thời trang từ Thái Lan, Malaysia, Singapore… đang tiếp cận người tiêu dùng, giành lấy phân khúc trung.

Thời trang Thái vào VN theo sự phát triển hệ thống bán lẻ siêu thị, trung tâm thương mại của nhà đầu tư nước ngoài, nhiều thương hiệu thời trang từ Thái Lan, Malaysia, Singapore… đang tiếp cận người tiêu dùng, giành lấy phân khúc trung.

 

Giày dép Thái Lan được dễ dàng tìm thấy tại nhiều cửa hàng, siêu thị - Ảnh: Tiến Long.

Thời trang ngoại đa dạng

Chiều cuối tuần, gian hàng thời trang nằm trong khu vực tự chọn của siêu thị Aeon Mall Bình Dương dễ làm người mua choáng ngợp với diện tích trưng bày rộng mênh mông. Khu vực thời trang của đại siêu thị này được chia theo gian hàng áo quần trẻ em, thời trang nữ, phụ kiện, quần áo nam...

Đi vào từng khu vực, người mua hàng cũng hoa mắt bởi sự đa dạng hàng hóa, kiểu dáng ở đây. Điều gây chú ý, ngoại trừ một gian hàng có ghi xuất xứ “made in China” thì hầu hết hàng ở đây đều được ghi nhập khẩu từ Thái Lan hoặc Malaysia.

Chị Bích Thủy (Thuận An, Bình Dương) rảo qua các gian hàng, tay chọn đồ, nhận xét: “Nhiều kiểu áo sơmi nhập từ Malaysia có họa tiết khá lạ, giá 300.000 - 350.000 đồng/cái không phải là mềm nhưng với dân văn phòng thì chấp nhận được”. Chị Thủy cho biết vẫn thường sắm quần áo của thương hiệu VN, giá cũng tầm này, nhưng về kiểu dáng thì hàng nhập phong phú hơn.

Bước qua gian hàng phụ kiện dành cho nữ thì có nơ, kẹp tóc, dây buộc, vòng, túi xách... cũng xuất xứ Thái Lan. Cô bán hàng đon đả: “Hàng nhập từ Thái Lan hết nên chất liệu vải, đường may chắc chắn, không như hàng Trung Quốc đâu".

“Ngợp” nhất trong khu vực này có thể nói là khu túi xách, balô, mẫu mã vô cùng nhiều với hình các nhân vật hoạt hình, hình con thú ngộ nghĩnh... Tất cả đều được giới thiệu xuất xứ Thái Lan. Giá các mặt hàng này tương đương hoặc nhỉnh hơn hàng trong nước cùng loại ở mức 200.000 - 450.000 đồng/chiếc tùy kích thước nhưng bán khá tốt vì mẫu mã đa dạng.

Sự lấn lướt của hàng Thái còn thể hiện rõ khi vào các trung tâm thương mại của nhà đầu tư nước này như tại trung tâm thương mại Robinson (Q.7, TP.HCM), có khá nhiều nhãn hàng nội địa Thái Lan.

Ngoài các điểm bán lẻ kinh doanh thông thường, trên các trang mạng, bán hàng online cũng nắm bắt nhu cầu rất nhanh nên ồ ạt nhập khẩu các loại mỹ phẩm, quần áo thời trang từ Malaysia, Thái Lan về bán kiếm lời.

Chủ shop Cún’s House cho biết hàng thời trang Thái hay Malaysia có giá rất rẻ so với hàng trong nước. Ví dụ, áo thun nam nhập từ Thái về chỉ từ 60.000 - 75.000 đồng/cái, quần lửng cũng có giá tương đương, quần jean chưa tới 200.000 đồng/cái, váy áo giá cũng khá mềm nhưng mẫu mã hiện đại, phù hợp với xu thế nên nhiều shop bán online tranh thủ nhập về.

Ông Tos Chirativat, chủ tịch hội đồng điều hành kiêm tổng giám đốc Central Group, nhận định sức mua của quốc gia 90 triệu dân với hơn 60% người tiêu dùng trẻ, VN là thị trường mục tiêu cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt ngành hàng thời trang.

Giá giảm thêm mới vừa túi tiền

Một loạt thương hiệu của Malaysia trong nhóm hàng quần áo, giày dép, túi xách... cũng vừa du nhập vào VN. Hệ thống các cửa hàng này phát triển nhanh chóng, xen lẫn trong khu dân cư hay trong các trung tâm thương mại luôn được người tiêu dùng VN, đặc biệt là giới văn phòng, ưa thích, sẵn sàng xếp hàng chầu chực khi có chương trình giảm giá.

Chủ tịch HĐQT một công ty thời trang lớn ở khu vực phía Nam cho rằng đáng lo nhất là hàng may mặc của Thái Lan, vì sản phẩm của quốc gia này hiện được đánh giá rất cao về khâu thiết kế, lại sẵn có nguồn nguyên vật liệu hết sức phong phú, trong khi giá thành lại không nhỉnh hơn so với hàng may mặc sản xuất trong nước.

Tính cạnh tranh của hàng may mặc Thái Lan, theo nhà doanh nghiệp này, càng được nâng thêm một bậc khi xu hướng sử dụng chính thiết kế của mình nhưng lại chọn đặt gia công tại Campuchia, thậm chí cả VN, sau đó bán ngược lại VN để thương mại hóa sản phẩm.

“Trong nội khối ASEAN, Thái Lan hiện đang vươn lên mạnh mẽ về ưu thế cạnh tranh khi họ đang làm rất tốt ở tất cả các khâu cho cả chuỗi quy trình sản xuất hàng may mặc” - ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek), nói.

Hiện nay không ít thương hiệu thời trang trong nước phải chật vật cải tổ, co cụm lại hệ thống phân phối vì sức mua sụt giảm. Chi phí mặt bằng quá cao trong khi sức tiêu thụ giảm nên các thương hiệu thời trang đều gặp khó khăn với khả năng tài chính có hạn.

“Không chỉ vậy, sức cạnh tranh của hàng may mặc trong nước còn kém ở khâu thiết kế mẫu. Hàng từ các nước trong khu vực dễ dàng xâm nhập, tiếp cận người tiêu dùng Việt tốt hơn là khả năng hàng trong nước mang sang “đấu” với các nước” - ông Kiệt nhận xét thêm.

Điển hình ở thị phần hàng trẻ em, một doanh nghiệp từng đầu tư vào ngành sản xuất thời trang trẻ em cho biết rất khó để trụ được lâu ở thị trường nội địa “do  thị trường quá nhỏ, trong khi mức đầu tư lại lớn và khó khăn hơn rất nhiều so với sản xuất thời trang cho người lớn”.

Hiện dù đang có một vài thương hiệu có tiếng như Ninh Khương, Anh Thư, H&F, nhưng độ phủ thị trường của các thương hiệu này vẫn đang rất khiêm tốn. Trong khi hàng trẻ em từ các nước lại tràn vào VN, mở cửa hàng, hệ thống phân phối với tốc độ nhanh chóng tại các trung tâm thương mại, siêu thị...

“Tôi phải công nhận thời trang trẻ em của các nước nhìn rất bắt mắt, kiểu dáng thiết kế rất xinh xắn, được chăm chút cẩn thận, lại dành cho nhiều độ tuổi để các bậc phụ huynh lựa chọn” - giám đốc một công ty thời trang trong nước thừa nhận.

Theo đánh giá của ông Kiệt, thời gian tới nếu giá bán của hàng may mặc các nước này kéo xuống ngang bằng với hàng trong nước, đồng thời nhà kinh doanh tăng cường chiến dịch quảng bá tiếp thị một cách dày đặc thì số người tiêu dùng trong nước bị thu hút sẽ mạnh mẽ hơn so với hiện nay.
 

Nhiều thương hiệu biến mất

 Trong khi hàng ngoại tràn vào VN tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng thì các cửa hàng thời trang trong nước phải giảm giá quanh năm mới bán được hàng.

Đã có thương hiệu phải đóng cửa, chuyển sang mô hình kinh doanh khác cho phù hợp, những thương hiệu còn duy trì được cũng sống khá lình xình, hệ thống cửa hàng cứ thu hẹp dần.

Theo ông Stefano Mangini - giám đốc công ty chuyên tư vấn thương hiệu Noah (Hong Kong), với ngành thời trang, điều quan trọng là phải tạo được nét riêng, nắm bắt hoặc dẫn dắt thị hiếu người dùng.

Bởi thời trang không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn cần phong cách riêng. Thương hiệu thời trang muốn cạnh tranh được phải định vị đối tượng khách hàng, định hướng họ sẽ mặc gì mùa này, năm nay và làm nổi bật được cá tính đó.


 Theo Vũ Nghi - N.Bình (Tuổi Trẻ)