Ảnh minh họa. (Nguồn: hurriyetdailynews.com) |
Dù hai nước này có quan điểm đối lập nhau về các vấn đề tại Syria và Ukraine, trao đổi thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tăng mạnh trong những năm qua. Nga là nước cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2014, Tổng thống hai nước Recep Tayyip Erdogan và Vladimir Putin đã cam kết tăng gấp ba giá trị trao đổi thương mại lên 100 tỷ USD vào năm 2023, so với mức 32 tỷ USD năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Lilit Gevorgyan, chuyên gia kinh tế tại ISH Global Insight, mục tiêu này hiện nay xem ra khó có thể thành hiện thực. Những sự kiện vừa qua giữa hai nước là một rào cản chính sau một thập niên nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác trong lĩnh vực thương mại và năng lượng.
Mặc dù vậy, ông William Jackson, chuyên gia đến từ Capital Economics, nhấn mạnh tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt của Nga sẽ vẫn còn hạn chế, khi đưa ra các con số thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ từ 4-4,5 tỷ USD, chiếm khoảng 0,5% GDP của nước này.
Ngành bị đe dọa nhiều nhất từ sự trả đũa của Nga là du lịch. Đây là mục tiêu đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Lượng du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ lớn thứ hai sau Đức, với 4,12 triệu lượt người năm 2013 và 4,3 triệu khách năm 2014.
Trước khi xảy ra căng thẳng giữa hai nước, sự xuống giá của đồng rouble Nga cũng đã làm giảm lượng khách nước này tới các khu nghỉ dưỡng ưa thích ở Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng hạn như Antalya (miền Nam).
Theo những số liệu của Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến cuối tháng 10 vừa qua, lượng khách Nga đến nước này đạt 3,5 triệu lượt người, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Nga kêu gọi công dân nước này không đi du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ càng làm trầm trọng xu hướng này. Tuy nhiên, ảnh hưởng đến ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ ở mức hạn chế.
Theo ông William Jackson, cho dù là ở mức cao nhất có nghĩa là không có bất cứ một du khách Nga nào đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2016, thiệt hại của ngành này sẽ chỉ rơi vào khoảng 3 tỷ USD, tương đương khoảng 0,4% GDP của nước này.
Ngày 30/11, Phó Thủ tướng Nga Arkadi Dvorkovitch thông báo lệnh cấm vận của Nga trước hết nhằm vào rau và quả của Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất khẩu các mặt hàng lương thực của Thổ Nhĩ Kỳ trước đó được hưởng lợi lớn từ lệnh cấm vận của Nga đối với hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU), nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt tài chính mà EU nhằm vào Nga do cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Năm 2014, trao đổi thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tăng 19% do xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tới 4 tỷ USD. Vậy nên những biện pháp mà Nga áp đặt vô tình chỉ làm cho thị trường Nga thiếu hụt hàng hóa.
Ông Lilit Gevorgyan cho rằng các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ và người tiêu dùng Nga sẽ cảm nhận sự khác biệt. Những hạn chế đối với hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây ra tác động lạm phát đến chỉ số giá vốn đã cao của Nga.
Nga cũng là nước cung cấp năng lượng chính cho Thổ Nhĩ Kỳ (chiếm 55% nhu cầu khí đốt và 30% nhu cầu dầu mỏ), nhưng hiện tại Nga chưa có ý định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Oulyoukayev tuyên bố không loại trừ khả năng nhằm vào hai dự án hạ tầng lớn.
Đó là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ được khởi công hồi tháng Tư và dự kiến đi vào hoạt động năm 2020, với vốn đầu tư 19 tỷ euro, và đường ống dẫn khí Turkstream giúp Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu mà không qua Ukraine.
Theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nga, năm 2014, 35% thị trường xây dựng mà Nga dành cho các tập đoàn nước ngoài đều thuộc về các tập đoàn của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này được hưởng lợi lớn từ các công trình xây dựng cho Thế vận hội Mùa đông 2014 Sochi.
Theo Thanh Bình (VietNam+)