Phát biểu tại Quốc hội chiều 13/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhắc đến vấn đề dịch tả lợn châu Phi bắt đầu từ tháng 8/2018 tại Trung Quốc làm cho tổng đàn lợn toàn thế giới giảm đến 12%. Trung Quốc là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giảm hơn 50%.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại 6 triệu con, giảm 20%, khối lượng giảm đến 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 9,6%. Theo Bộ trưởng, tất cả những điều trên là nguyên nhân cơ bản khiến giá lợn tăng phi mã.
Từ tháng 3/2019, Việt Nam đã có chủ trương phát triển các nguồn thực phẩm khác như: phát triển đàn gà, thủy sản, trứng. Đến cuối năm 2019 đã bù đắp được 760 triệu tấn nên không xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm.
"Theo lịch trình để phục hồi đàn lợn như trước dịch phải đến quý 4 năm nay, thì số đầu lợn ngang bằng 31 triệu con của trước khi dịch, chính vì thế cung cầu nó chưa gặp nhau dẫn đến việc giá tăng. Trước tình hình này Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy nhanh khôi phục tái đàn, nhưng tái đàn phải đảm bảo bền vững. Bởi nguy cơ quay trở lại dịch tả lợn châu Phi là rất cao, như Trung Quốc, tỷ lệ tái dịch tả lợn châu Phi đang là 23%. Do đó không thể tái đàn một cách bừa bãi", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, phải chú ý tái đàn cho các hộ nhỏ lẻ, trang trại để vừa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó cần có cơ chế chính sách làm sao đủ giống cho đối tượng này, phát triển bền vững tránh bị tái dịch.
"Chúng tôi chỉ đạo 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn không chỉ tập trung nguồn giống cho mình, mà còn phải bán giống cho các đối tượng khác, đặc biệt là người dân. Ví dụ hiện tại Hà Nội hỗ trợ 4 triệu đồng/con lợn giống, Nghệ An 2 triệu đồng/con lợn giống", Bộ trưởng nói.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến cáo người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng: "Không có lý do gì để chỉ tập trung ăn thịt lợn, thịt gà rất tốt, cá, tôm, trứng cũng vậy đều của nông dân. Chúng ta phải đa dạng thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực cho giá thịt lợn".
Theo Lê Bảo (Giadinh.net.vn)