Thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu?

17/04/2020 07:32:11

Khi giá thịt lợn trong nước vẫn không chịu “hạ nhiệt” thì thịt lợn nhập khẩu vẫn vắng bóng trong các siêu thị.

Theo số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cung cấp cho PV Báo Gia đình & Xã hội, tính đến hết ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng trên 300% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Nga 2,62%.

Khi nguồn cung trong nước thiếu hụt và giá cả không chịu "hạ nhiệt", thì thịt lợn nhập khẩu được coi là giải pháp hỗ trợ người dân.

Mặc dù Bộ NN&PTNT khẳng định lượng thịt lợn nhập khẩu tăng nhưng khảo sát của PV tại một số đơn vị bán lẻ như Vinmart, BigC, thịt sạch Meat Deli… cho thấy, thịt lợn nhập khẩu vẫn "vắng bóng" trên kệ hàng, hoặc chỉ chiếm 1 – 2% lượng tiêu thụ.

Thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu?
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 13/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 46.402 tấn thịt lợn.

Đại diện MM Mega Market cho biết, đơn vị đang phân phối cá sản phẩm chân lợn, thịt vai, sườn lợn xuất xứ nước ngoài nhưng số lượng ít, chỉ chiếm khoảng 2%.

Theo ghi nhận của PV, giá bán lẻ thịt lợn đông lạnh do các đơn vị trong nước phân phối dao động từ 77.000 – 98.000 đồng/kg.

Đơn cử, công ty TNHH Nhiêu Lộc bán lẻ nạc vai heo với giá là 77.000 đồng/kg, ba chỉ có giá 92.000 đồng, nạc đùi có giá 80.000 đồng/kg…

Công ty Âu Việt Foods bán lẻ thịt mông ở mức 98.000 đồng/kg, sườn mềm là 89.000 đồng/kg…

Trong khi đó, giá thịt lợn thành phẩm tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội luôn dao động từ 120.000 – 165.000 đồng/kg và tại các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện ích như Vinmart, BigC, Meat Deli… giá thịt lợn thành phẩm luôn dao động từ 139.900 – xấp xỉ 440.000 đồng/kg.

Trao đổi với PV, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, thịt lợn nhập khẩu vắng bóng trên thịt trường có thể do một số nguyên nhân như: Thói quen người tiêu dùng, thiếu quảng bá, thiếu đơn vị phân phối, bán lẻ hoặc thiếu hụt nguồn cung ở nước ngoài do dịch COVID-19… Trong đó, thói quen của người tiêu dùng là quan trọng nhất. Nếu người tiêu dùng giữ quan điểm chỉ dùng thịt lợn vừa giết mổ mới đảm bảo giá trị dinh dưỡng thì đơn vị bán lẻ cũng rất khó để phân phối.

Thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu? - 1
Mặc dù lượng nhập khẩu tăng 300% so với cùng kỳ nhưng thịt lợn vẫn "vắng bóng" trong các siêu thị Việt.

Nói về thị trường thịt lợn trong nước, ông Phú thẳng thắn, việc yêu cầu điều chỉnh giá lợn hơi trong thời gian qua đã không có tác dụng mạnh vào giá bán lẻ ở chợ và siêu thị. Một số đơn vị bán lẻ giảm giá thịt lợn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Phần cốt lõi vẫn là giá lợn hơi hiện nay vẫn không nhúc nhích. Thậm chí là có chiều hướng tăng ở một số địa phương.

Ông Phú cho biết, khoản chênh lệch giá lợn hơi từ khâu xuất chuồng đến tay người tiêu dùng còn rất lớn. Cách đây hơn 1 tháng, Chính phủ đã yêu cầu hai Bộ NN&PTNT và Công thương làm rõ lợi nhuận chênh lệch giá nộp ngân sách của các khâu chăn nuôi và các trung gian, để có hướng xử lý. Thế nhưng, cho tới nay vẫn chưa có số liệu báo cáo công khai cho mọi người được biết.

Ông Phú cho rằng: "Những đề xuất có vai trò rất quan trọng về việc đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá của các cơ quan thống kê, vật giá và thuế vẫn chưa được chấp nhận, nếu không đưa vào luật định thì thực tế rất khó để kiểm soát giá từ khâu chăn nuôi tới khâu bán lẻ trên thị trường hiện nay".

Theo Cục Thú Y (Bộ NN&PTNT), việc nhập khẩu thịt lợn gặp khó khăn do số lượng lợn trên thế giới giảm và chưa thể hồi phục số lượng so với khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nên thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung thịt lợn.

Trung Quốc đã đặt mua thịt lợn ở nhiều cơ sở giết mổ lớn trên thế giới với giá cao; mặt khác, để mua được thịt lợn ở các nước phải đặt hàng trước từ 3- 4 tháng, trong khi giá thịt nhập khẩu ở một số thị trường còn ở mức cao.

Khoảng cách vận chuyển thịt lợn nhập khẩu từ các nước về Việt Nam tương đối xa; đồng thời do tập quán người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với việc sử dụng thịt đông lạnh; mặt khác, thuế nhập khẩu cao làm hạn chế đến việc nhập khẩu thịt lợn.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Đơn cử là nhiều hãng chế biến thịt lợn lớn tại Mỹ đã ngừng hoạt động, làm giảm nguồn hàng xuất khẩu.

Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)

Nổi bật