CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc ông Lê Viết Hiếu (con trai chủ tịch Lê Viết Hải) thôi giữ chức Tổng Giám đốc công ty và bắt đầu giữ chức Phó Tổng Giám đốc thường trực kể từ ngày 23/7.
Như vậy, ông Lê Viết Hiếu chỉ nắm giữ cương vị lèo lái doanh nghiệp xây dựng hàng đầu HBC trong vòng 2 năm. Ông Hiếu (1992) được bổ nhiệm vị trí CEO HBC từ 23/7/2020 với nhiệm kỳ hai năm.
Với quyết định mới, ông Hiếu về vị trí phó TGĐ (cùng với 6 người khác) và vẫn là thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Hiện HBC chưa công bố nhân sự đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc thay ông Hiếu.
Trong 2 năm dưới sự điều hành của ông Hiếu, Xây dựng Hòa Bình không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh thị trường bất động sản nhà ở diễn biến thiếu tích cực do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021 quanh mức 90-100 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 15-20% so với các năm trước đó.
Vào đầu 2022, thị trường xây dựng cũng không có nhiều chuyển biến tích cực khi mà thị trường trái phiếu sụt giảm và gần đây Ngân hàng Nhà nước cũng kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Các dự án xây mới không bùng nổ như giai đoạn trước.
Tuy nhiên, trong giai đoạn ông Hiếu nắm quyền, dòng tiền lớn trên thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu HBC có cú bứt phá mạnh mẽ từ dưới 10.000 đồng có lúc lên 35.000 đồng/cp. Trong khi đó, đối thủ số 1 của HBC là Xây dựng Coteccons (CTD) ghi nhận diễn biến xấu hớn về giá cổ phiếu.
Trước đó, Coteccons là doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cuộc chiến trong nội bộ doanh nghiệp này đã kéo giá cổ phiếu xuống mạnh. Nhờ vậy, 2 năm qua, HBC đã bứt phá và vượt CTD trở thành doanh nghiệp xây dựng có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Gần đây, chủ tịch HBC Lê Viết Hải cho biết HBC sẽ mở rộng hoạt động hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tập đoàn hướng tới mốc doanh thu 20 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới (so với mức doanh thu khoảng 500 triệu USD/năm như hiện tại.
Các doanh nghiệp xây dựng gần đây gặp nhiều khó khăn khi vật liệu xây dựng như thép, xi măng… tăng vọt.
Trước đó, ông Lê Viết Hiếu được kỳ vọng trở thành người kế vị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Ông Lê Viết Hải (64 tuổi) khi đó nhường lại vị trí CEO Hòa Bình cho con trai nhằm tuân thủ quy định về quản trị doanh nghiệp khi chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm CEO của cùng một công ty đại chúng. Ông Lê Viết Hiếu được đào tạo học tập bài bản ở nước ngoài và có thời gian làm việc ở nhiều vị trí khác nhau tại HBC.
Kỳ vọng vào thế hệ 2
Hồi giữa tháng 7/2022, con gái bà Nguyễn Thị Nga cũng đã rời ghế Tổng Giám đốc SeABank. Bà Lê Thu Thủy thôi đảm nhiệm chức vụ CEO SeABank sau nhiệm kỳ 5 năm nhưng tiếp tục tham gia quản trị ngân hàng với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT.
Bà Lê Thu Thủy là con gái bà Nguyễn Thị Nga, cựu chủ tịch HĐQT SeABank và là Chủ tịch Tập đoàn BRG. Hiện bà Nga cũng là Phó chủ tịch thường trực tại ngân hàng này. SeABank tạm thời cử phó TGĐ Faussier Loic Michel Marc (1972) điều hành hoạt động của SeABank trong thời gian trình Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm chính thức chức danh TGĐ.
Trong thời gian bà Thủy làm CEO, SeABank có nhiều chuyển biến tích cực. Hồi tháng 3/2021, SeABank chính thức đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM - HoSE (HSX) với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp. Hiện cổ phiếu SeABank có giá khoảng 32.000 đồng/cp. SeABank có vốn hóa đạt gần 63 nghìn tỷ đồng.
SeABank là một trong những ngân hàng tầm trung có tăng trưởng mạnh mẽ nhất vài năm gần đây. Lợi nhuận của nhà băng này đã tăng gấp nhiều lần, đạt ngưỡng nghìn tỷ trong 3 năm qua. Vốn điều lệ cũng tăng mạnh, từ 5.465 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên tới hơn gần 20.000 tỷ đồng.
Trong tháng 4/2022 vừa qua, ông Võ Quốc Lợi (1988), con trai "bầu Thắng", rời ghế Phó tổng giám đốc KienLongBank cho dù ông Lợi hiện vẫn là cổ đông cá nhân lớn ở ngân hàng này với gần 4,7% vốn điều lệ KLB. Ông Lợi có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh tại trường London Business School (Vương quốc Anh) với hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính.
Trong vài năm gần đây, nhiều đại gia chuyển giao quyền lực và tài sản dần cho con cái. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Cả cha con nhà ông Đỗ Anh Dũng Tân Hoàng Minh vừa qua vướng vòng lao lý.
Hồi đầu 2021, Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung đã sang tay 9,2 triệu cổ phiếu PNJ (3,8%) cho con gái Trần Phương Ngọc Hà. Một người con gái khác của bà Dung là Trần Phương Ngọc Thảo đang là thành viên HĐQT của PNJ.
Trong khó khăn như năm 2021, nhiều tập đoàn tư nhân Việt Nam tiếp tục bứt phá. Trong đó, không ít doanh nghiệp quy mô tỷ USD được lèo lái bởi những gương mặt doanh nhân trẻ, mới nổi lên.
"Đại thiếu gia" nhà Bầu Hiển - Đỗ Quang Vinh cũng đã tham gia vào HĐQT ngân hàng SHB và hiện nắm 2,74% cổ phần SHB, nhiều hơn tỷ lệ 2,54% của ông HIển.
ĐHĐCĐ bất thường Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) hồi tháng 2 cũng đã bầu ái nữ ông Đặng Thành Tâm vào HĐQT KBC cho nhiệm kỳ 2022-2027. Bà Quỳnh Anh đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo, vừa là Trưởng Tiểu ban Tài chính HĐQT của CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (SGT) - công ty liên kết của KBC.
Với dàn lãnh đạo trẻ, có trình độ, được đào tạo học hành đầy đủ và được trải nghiệm ở những nền kinh tế phát triển, giới đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp Việt sẽ bứt phá lên tầm khu vực và thế giới.
Theo M. Hà (VietNamNet)