Buôn thuốc lãi to, làn sóng đại gia đổ tiền thâu tóm công ty dược Việt Nam

07/07/2022 09:37:41

Đại gia Bamboo Capital thông qua việc tham gia góp vốn tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Tipharco.

HĐQT CTCP Bamboo Capital (BCG) vừa thông qua nghị quyết góp vốn đầu tư vào CTCP Dược phẩm Tipharco (DTG). Theo đó, BCG sẽ mua lại 1,327 triệu cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu của Tipharco, tương đương 21,01% vốn chủ sở hữu.

Giá mua sẽ được thương lượng trên nguyên tắc đảm bảo giá trị sổ sách của cổ phiếu Tipharco và dự kiến thực hiện trong quý III.

Tipharco được biết đến là một doanh nghiệp dược phẩm có tuổi đời gần 50 năm tại Tiền Giang, với ngành kinh doanh chính là: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 63 tỷ đồng.

Tipharco đã “về tay” Bamboo Capital từ đầu 2022 sau khi nhóm cổ đông liên quan tới ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (BCG), mua một lượng lớn cổ phiếu này. Tại ĐHCĐ Tipharco 2022, ông Nguyễn Hồ Nam đã được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025.

Buôn thuốc lãi to, làn sóng đại gia đổ tiền thâu tóm công ty dược Việt Nam
Lĩnh vực dược phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Bamboo Capital và nhóm cổ đông liên quan được cho là đã nắm giữ phần lớn cổ phần tại Tipharco. Tuy nhiên, các cổ đông cụ thể không được đề cập.

Tính đến cuối tháng 1/2022, ông Nguyễn Hồ Nam nắm giữ gần 25% cổ phần Tipharco; bà Đặng Thị Thu Hằng nắm giữ hơn 24,4% cổ phần DTG.

Hồi cuối tháng 4, CTCP Dược phẩm Tipharco công bố bà Hồ Thị Thùy Dung đã mua thành công 1 triệu cổ phiếu của DTG trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này với tỷ lệ nắm giữ 15,83%.

Cũng tại ĐHCĐ 2022, Tipharco thông qua việc miễn nhiệm 6 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025, bầu HĐQT mới gồm 7 thành viên. Hầu hết các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát mới của Tipharco đều là nhân sự có liên quan đến Bamboo Capital.

Bamboo Capital gần đây nổi lên là một tập đoàn với tham vọng phát triển đa ngành, thông qua các thương vụ M&A và tái cơ cấu thành công các doanh nghiệp. Hai thương vụ khá thành công vừa qua là tại Tracodi và Bảo hiểm AAA.

Hiện tại ngành dược tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp dược Việt.

Tipharco xác định ngành hàng chiến lược là kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, hô hấp, các sản phẩm điều trị Covid và hậu Covid, Đông dược. 

Ngay sau khi về tay Bamboo Capital, Tipharco sẽ tăng vốn, thông qua phát hành 1:3 để nâng vốn điều lệ từ 63 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng và sẽ đầu tư xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn EU và có kế hoạch chuyển lên sàn HoSE trong năm 2023.

Theo Bộ Y tế, thị trường thuốc Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, bình quân 17%/năm giai đoạn 2014-2018. Ước tính quy mô thị trường này lên tới 7-8 tỷ USD và có thể đạt ngưỡng 16 tỷ USD vào 2026.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đẩy mạnh tham gia mảng dược phẩm, từ sản xuất cho đến kinh doanh. Nhiều tập đoàn dược phẩm nước ngoài đã có cổ phần lớn tại các doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam.

Có doanh nghiệp "bán mình" cho đối tác ngoại và hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE như PME của CTCP Pymepharco. Đây là doanh nghiệp dược có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán. Đầu năm 2021, DN này đã thông qua việc cho phép cổ đông lớn Stada Service Holding B.V và người có liên quan nâng tỷ lệ sở hữu tối đa lên 100% vốn điều lệ công ty mà không cần thực hiện chào mua công khai.

Vào đầu năm nay, ông lớn dược Ấn Độ Công ty Sri Avantika đến khảo sát tại tỉnh Hải Dương nhằm đầu tư dự án công viên dược quốc tế quy mô hơn 10 tỷ USD tại Việt Nam.

Mảng bán lẻ dược phẩm cũng rất sôi động với sự bứt phá của 3 chuỗi Long Châu của FPT Retail, Anh Khang của Thế Giới Di Động và Pharmacity. Theo tính toán của SSI Research, 3 chuỗi nhà thuốc trên sẽ đạt 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần. 

Thăm dò cung cầu

Theo BSC, hiện thị trường đã giảm xuống dưới ngưỡng 1.150; nếu thị trường không thể trở lại ngưỡng 1.160 thì có thể sẽ tiếp tục lùi về ngưỡng 1.100 để hoàn thiện mô hình 5 sóng giảm (sóng 5 tương đương biên độ của sóng 1).

Theo VDSC, thị trường sẽ có động thái thăm dò cung cầu. VDSC cho rằng, diễn biến thị trường tiếp tục theo chiều hướng suy yếu sau những nỗ lực hồi phục bất thành với trạng thái dòng tiền yếu. Điểm đặc biệt là VN-Index giảm dưới mức đáy cũ 1.156,54 điểm và đóng cửa gần mức thấp nhất trong phiên, cho thấy xu hướng của thị trường vẫn theo chiều hướng tiêu cực. 

Tuy nhiên, thanh khoản lại giảm so với phiên trước nên diễn biến “tháo chạy” chưa xảy ra. Có khả năng thị trường sẽ có động thái thăm dò cung cầu trong thời gian gần tới. Nếu dòng tiền hỗ trợ vẫn kém và tín hiệu “phá vỡ đáy” được xác nhận thì cần chờ vùng hỗ trợ hoặc tín hiệu hỗ trợ hợp lý. 

Chốt phiên giao dịch 6/7, chỉ số VN-Index giảm 31,68 điểm xuống 1.149,61 điểm. HNX-Index giảm 6,02 điểm xuống 271,92 điểm. Upcom-Index giảm 0,96 điểm xuống 86,22 điểm. Thanh khoản đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 12,6 nghìn tỷ đồng trên HoSE.

Theo M. Hà (VietNamNet)