Hoạt động bất thường của đầu mối
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, mức chiết khấu của các doanh nghiệp đầu mối tư nhân trong hơn một năm qua luôn cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp đầu mối có vốn nhà nước. Tại nhiều thời điểm, mức chiết khấu của các đầu mối như PVOil, Petrolimex, Saigon Petro, Mipec, Petec chỉ bằng 1/3 hoặc 50% so với các doanh nghiệp đầu mối tư nhân.
Cụ thể trong các ngày từ 8 -11/4, mức chiết khấu với Xăng dầu Quân khu vực 3 chỉ là 30 đồng/lít với dầu và 100 đồng/lít với xăng. Mức chiết khấu tại kho xăng dầu Đức Giang đã bao gồm hỗ trợ vận chuyển chỉ là 40 đồng/lít với xăng E5 RON92; 90 đồng/lít với xăng RON95 – III.
Với dầu DO 0,05S và dầu DO 0,001S, chiết khấu chỉ còn 40 đồng/lít. Mức chiết khấu tương tự cũng được áp dụng cho nguồn hàng từ Petrolimex Bắc Ninh. Chiết khấu xăng dầu cho doanh nghiệp lấy từ kho Dung Quất, Vũng Rô chỉ còn 100 đồng/lít xăng RON95-III; 200 đồng/lít xăng E5 RON92 và dầu DO 0,05S.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp bán lẻ và cả thương nhân phân phối, điều bức xúc nhất với doanh nghiệp trong thời gian qua là việc thị trường xăng dầu có dấu hiệu bị thao túng trước mỗi kỳ điều hành giá, kể cả khi thị trường giảm giá hay tăng giá.
Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ tại Bến Tre cho biết, từ ngày 6/4 đến nay, chiết khấu của các doanh nghiệp lấy hàng từ PVOil đã bị giảm 50%, xuống mức rất thấp. Đến ngày 11/4, chiết khấu cho xăng RON95 chỉ còn 150 đồng/lít, dầu DO còn 150 đồng/lít. Với mức chi phí này, doanh nghiệp bị lỗ rất nặng do không đủ chi phí vận chuyển. Nếu tính chi phí kinh doanh đầy đủ, doanh nghiệp bị lỗ gần 800 đồng/lít xăng dầu bán ra.
Theo bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Công ty Xăng dầu Chiến Thắng, Yên Bái - cho biết, tình trạng bất thường về chiết khấu luôn lặp đi lặp lại cả năm qua chính là việc cứ gần ngày điều chỉnh tăng giá thì các đầu mối đột ngột để chiết khấu cực thấp thậm chí xuống sát mức 0 đồng để ngăn thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ tăng lấy hàng. Với việc siết chiết khấu này, thương nhân phân phối, bán lẻ có nhập hàng thì sau khi trừ các loại chi phí vận chuyển, kinh doanh, doanh nghiệp cũng hầu như không có lãi.
Trường hợp khi giá điều chỉnh giảm, các đầu mối lập tức tăng chiết khấu lên cao cao ngất ngưởng để xả hàng. Vì vậy, trong cả hai trường hợp giá tăng hay giảm, doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối đều không có lợi, thậm chí bị lỗ.
“Với xu thế giá hiện tại, tôi đặt lệnh nhập hàng nhưng đầu mối thông báo lượng hàng còn ít, thậm chí thông báo đã không còn hàng, đề nghị đổi toàn bộ xăng RON 95 thành dầu thì mới cấp hàng. Chỉ cách nhau ít tiếng đồng hồ nhưng sau khi giá điều chỉnh tăng mạnh, đầu mối lập tức thông báo muốn nhập bao nhiêu hàng cũng có. Những hiện tượng lạ của các đầu mối trước mỗi kỳ điều hành giá cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Những lúc tăng giá thế này, ai kiểm soát được đầu mối có bán hay găm hàng”, bà Sinh cho hay.
Đề nghị công an vào cuộc tìm hiểu hoạt động của đầu mối trước kỳ tăng giá
Chia sẻ với PV Tiền Phong, Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long đề nghị cơ quan công an cần vào cuộc giám sát có hay không tình trạng bắt tay làm giá chiết khấu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối trước mỗi kỳ điều hành giá.
Theo vị giám đốc, có dấu hiệu trục lợi của các đầu mối khi giá xăng dầu được điều chỉnh. Cụ thể, từ sáng 11/4, mức chiết khấu của các đầu mối chỉ ở quanh mức 350 - 400 đồng/lít xăng dầu. Với mức chiết khấu này, doanh nghiệp chỉ đủ chi phí vận chuyển trong nội tỉnh và phải chịu lỗ kép do lỗ vận chuyển, lỗ kinh doanh với tổng số tiền 800 - 900 đồng/lít xăng dầu bán ra.
Điều lạ là, ngay sau thời điểm 15h ngày 11/4, sau khi giá được điều chỉnh tăng, chiết khấu của các đầu mối xăng dầu cho khách hàng lấy xăng tại kho Cần Thơ và kho Bạc Liêu lập tức được điều chỉnh lên 700 - 850 đồng/lít với xăng RON 95 và 650 - 800 đồng/lít với xăng E5 RON92. Chiết khấu cho mặt hàng dầu lấy từ hai kho này cũng được đẩy lên 700 đồng/lít.
“Vì sao chỉ sau vài tiếng, chiết khấu lại tăng gấp đôi như vậy, nguồn hàng cũng sẵn ngay lập tức. Cơ quan quản lý cần lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp bán lẻ”, ông nói.
Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh), khác với các đầu mối và thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện chỉ sống bằng hai nguồn: Chiết khấu xăng dầu và chênh lệch khi giá bán lẻ tăng. Tuy nhiên, tiền chênh lệch khi giá bán lẻ tăng hơn một năm nay không còn do đầu mối và thương nhân phân phối thường găm lại hàng, hạn chế bán mỗi kỳ tăng giá để hưởng lợi từ khoản chênh lệch giá khi tăng. Sau khi điều chỉnh giá mới bán hàng ra. Cùng với đó, lấy lý do cũng bị lỗ nên đầu mối cắt toàn bộ chiết khấu khiến các khâu phân phối, bán lẻ đều bị ảnh hưởng và gặp rất nhiều khó khăn.
“Thực tế nhiều doanh nghiệp bán lẻ thời gian qua đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn để duy trì hoạt động với hy vọng cơ quan quản lý sẽ có giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp. Giờ rất nhiều doanh nghiệp xăng dầu bán lẻ đang muốn cơ quan quản lý trả lời câu hỏi: Đến bao giờ mới được đảm bảo quyền tự do kinh doanh?”, ông Tây nói.
Cùng với việc bị cắt chiết khấu, doanh nghiệp ở khu vực phía Bắc khi nhập hàng từ một số thương nhân phân phối, đầu mối ở các kho Hải Linh (Bắc Ninh), Hoàng Huy, Đình Vũ (Hải Phòng) đều bị hạn chế lượng hàng nhập trước kỳ điều hành giá ngày 11/4.
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)