Chiều 11/4, liên Bộ Tài chính - Công Thương thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ.
Theo đó, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 1.090 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 1.120 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.170 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.240 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng trong đợt điều hành này, song mức tăng thấp hơn giá xăng. Trong đó, giá dầu diesel tăng 710 đồng lên 20.140 đồng/lít, giá dầu hỏa tăng 700 đồng lên 19.730 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ trích lập 150 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, trích lập 300 đồng/lít với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa. Cơ quan quản lý chỉ chi quỹ bình ổn 300 đồng/kg với mặt hàng dầu mazut.
Như vậy, giá xăng trong nước đã tăng 2 lần liên tiếp chỉ sau 1 lần giảm. Tính từ đầu năm, mặt hàng này đã trải qua 11 lần điều chỉnh giá, trong đó có 7 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 3/4, Petrolimex dương 2.470 tỷ đồng, PVOil âm 340 tỷ đồng, Saigon Petro dương 307 tỷ đồng, Petimex dương 397 tỷ đồng...
Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo đánh giá của cơ quan này, từ đầu năm đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính khẳng định không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu.
Liên quan đến việc dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ Công Thương mới đây đề xuất giai đoạn năm 2023-2025 nâng mức dự trữ từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng mỗi năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước. Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.
PN (SHTT)