Giá nhà gấp 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội
Tại báo cáo thị trường BĐS TP HCM 9 tháng đầu năm, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng, thị trường BĐS đã có dấu hiệu “giảm tốc”, chậm lại và trầm lắng, giao dịch nhà đất sụt giảm trên dưới 50% tùy theo dự án và khu vực.
Mặc dù vậy, giá nhà đất vẫn còn ở mức giá cao do doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn kỳ vọng thị trường sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn (chiếm đến 50-70%) nên sức chịu đựng có hạn và đến một thời điểm không chịu đựng nổi thì có thể các nhà đầu tư đành phải “xả hàng,” chấp nhận bán “cắt lỗ” để vớt vốn.
Cùng với đó là tình trạng giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Theo đó, giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, nếu so sánh với giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển thì cao gấp 6-7 lần mức thu nhập.
Do vậy, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp ở đô thị, công nhân lao động và người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Minh chứng là từ năm 2019 đến nay xuất hiện dự án và căn hộ siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, thậm chí 1 tỷ đồng/m2.
Bên cạnh đó, một số địa bàn bị giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” đầu cơ, làm giá, thổi giá tạo ra các đợt “sốt giá ảo” đất nền, đất nông nghiệp (như huyện Củ Chi, Hóc Môn) tác động xấu đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS.
Thời điểm không thuận lợi cho nhà đầu tư BĐS
Trong khi đó, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, thời gian tới, các dự án nhà ở xã hội sẽ khởi động mạnh mẽ. Do đó, giá căn hộ sẽ tăng còn giá nhà ở thấp tầng sẽ chững vì trước giờ đã tăng quá mạnh. Nhiều khách hàng vẫn lo ngại mua đất nền thời điểm này vẫn đang đu đỉnh.
Còn PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, nhà đầu tư đã từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng đến hiện tại, việc nới room tín dụng không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường nên doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn mới.
Đồng thời, ông kỳ vọng vào dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi BĐS là kênh đầu tư tích trữ an toàn. Do đó, vị chuyên gia này dự báo cuối năm nay và sang năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Từ đó, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển khuyến nghị, thời điểm này thực sự không thuận lợi cho nhà đầu tư BĐS mà chỉ nên bảo toàn vốn. Bởi BĐS đang có nhiều điều chỉnh hợp lý về giá cả.
Cũng theo ông Hiển, lạm phát ở Việt Nam vẫn tăng thấp hơn so với lãi suất, tức là người gửi tiền ngân hàng vẫn thực dương nên giai đoạn này với đa số nhà đầu tư thì kênh gửi tiền tiết kiệm là an toàn, tốt nhất trong ba tháng cuối năm.
Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, có sự khác nhau về bức tranh BĐS ngắn hạn và trong trung, dài hạn.
Cụ thể, thị trường BĐS trong ngắn hạn sẽ trải qua một vài thời điểm kém sôi động vì thiếu nguồn cung cùng với những thay đổi lớn về chính sách pháp lý, tài chính. Theo đó, giá bán ở thị trường sơ cấp sẽ tiếp tục tăng vì lãi suất ngân hàng cao cùng với đà tăng của chi phí vật liệu xây dựng và kỳ vọng cao về lợi nhuận của các chủ đầu tư sau giai đoạn giao dịch "ngủ đông" vì COVID -19.
Đối với thị trường thứ cấp, giá chuyển nhượng có xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ ở một vài dự án do các ngân hàng tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng khiến một số đối tượng đầu cơ phải thanh khoản để thoát lỗ...
Theo Lập Đông (Tiền Phong)