Vài ngày trước, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn còn tâm trạng chán nản khi giao dịch chứng khoán trong nước ngày càng ảm đạm, thanh khoản xuống thấp kỷ lục và giá cổ phiếu liên tục đi xuống. Tuy nhiên, sau phiên bùng nổ cuối tuần qua, giới đầu tư lại vỡ òa cảm xúc, hy vọng đà giảm đã kết thúc, thị trường sẽ trở lại sóng tăng cùng pha với sự hồi phục của nền kinh tế.
"Cởi trói" dòng tiền cá nhân
Điểm nhấn của thị trường chứng khoán tuần qua là phiên cuối tuần đã chặn đà giảm 5 tuần liên tiếp của VN-Index. Thanh khoản khớp lệnh trên HSX đạt trên 917 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần phiên trước và cao hơn 50% so với mức trung bình 20 ngày gần nhất.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự lạc quan hơn với thị trường chứng khoán hiện nay. Bởi lẽ, một phiên "bùng nổ theo đà" - thị trường tăng cả về điểm số lẫn thanh khoản và lan tỏa ở các nhóm ngành, xuất hiện dòng cổ phiếu dẫn dắt thu hút dòng tiền… - giúp họ kỳ vọng VN-Index dứt chuỗi giảm điểm và đi lên.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích - Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định sau cú sập bất ngờ vào đầu tháng 8, hầu hết thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều phục hồi và sớm lấy lại đỉnh cũ. Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn thận trọng. Đến phiên giao dịch cuối tuần qua, dòng tiền lớn của các nhà đầu tư tổ chức chính thức nhập cuộc với nhóm cổ phiếu các ngành chứng khoán, bất động sản…, giúp VN-Index phá vỡ xu hướng giảm 5 tuần liên tục.
"Bản chất đợt điều chỉnh giảm nhiều tuần vừa qua là do nhà đầu tư bị cuốn theo tâm lý tiêu cực từ đợt bán tháo trên thị trường quốc tế. Điều quan trọng là kinh tế vĩ mô trong nước vẫn rất tốt. Sau phiên bùng nổ cuối tuần rồi, nhiều khả năng thị trường chưa thể lên ngay mà tích lũy quanh mốc hiện tại, sau đó mới bắt đầu xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền chảy vào nhiều hơn" - ông Minh nhìn nhận.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng dòng tiền lớn trong phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại. Với mức thanh khoản hơn 1 tỉ cổ phiếu và giá trị giao dịch hơn 25.000 tỉ đồng thì không thể là dòng tiền của cá nhân.
"Thị trường có đợt giảm điểm kéo dài 5 tuần, giá nhiều cổ phiếu đã về vùng định giá hợp lý, thu hút các nhà đầu tư lớn mua vào, giúp "cởi trói" dòng tiền và xóa tan tâm lý lưỡng lự của các nhà đầu tư cá nhân, vốn chiếm tỉ lệ lớn trên thị trường. Ở nước ngoài, những tín hiệu gần nhất cũng cho thấy nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 9-2024 tới 0,5 điểm % - cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Nếu vậy, dòng tiền đầu tư trên thế giới sẽ đảo chiều, không còn rút ròng khỏi thị trường cận biên, mới nổi nữa. Lúc này, Việt Nam cũng là một trong những thị trường được hưởng lợi" - ông Phương nhận định.
Khối ngoại ngừng bán ròng
Một trong những điểm sáng trên thị trường chứng khoán tuần qua là khối ngoại mua ròng trở lại hơn 1.000 tỉ đồng trên sàn HoSE. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, sau chuỗi bán ròng liên tiếp từ đầu năm.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, trong bối cảnh tỉ giá USD/VNĐ đang giảm mạnh và dự báo tiếp tục hạ nhiệt sau thông tin FED có thể giảm lãi suất vào tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đang mua ròng trở lại. Tuần trước, dòng tiền đã được rút ra khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ ở một số thị trường châu Á và dịch chuyển sang các thị trường khác có mức giá hấp dẫn hơn, trong đó có Việt Nam.
Do đó, ông Minh cho rằng dòng tiền ngoại từ nay tới cuối năm sẽ là trụ đỡ cho thị trường. Quý II/2024 thường là thời điểm nhà đầu tư lớn định giá, lựa chọn cổ phiếu để mua vào và nắm giữ cho giai đoạn cuối năm.
Một yếu tố rất tích cực với thị trường chứng khoán là cơ quan quản lý đang khẩn trương lấy ý kiến đóng góp về dự thảo thông tư liên quan việc bỏ yêu cầu ký quỹ (pre-funding) trước khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài - điểm nghẽn lớn nhất trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Vài ngày trước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã họp với các ngân hàng lưu ký, công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính nước ngoài liên quan nội dung này.
Ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, nhận định nhiều khả năng thông tư liên quan việc tháo gỡ nút thắt pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được ban hành vào tháng 9, thời điểm FTSE có kỳ đánh giá xem xét nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều khả năng chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng trong năm 2025.
Ông Đinh Minh Trí phân tích: "Một khảo sát mà chúng tôi vừa thực hiện về 5 thị trường từng được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi của FTSE cho thấy các thị trường này đều có sóng tăng trước thời điểm nâng hạng chính thức. Sóng tăng điểm nhiều hay ít tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của thị trường nhưng sẽ kích hoạt dòng tiền đầu cơ tham gia. Các công ty chứng khoán đang cấp tập tăng vốn để đáp ứng chuẩn mới trước khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được nâng hạng".
Chưa nên vội mua vào
Sau phiên chứng khoán "bùng nổ theo đà" cuối tuần qua, các chuyên gia nhận định thị trường sẽ khó tăng nhanh ngay mà có thể tích lũy hoặc dao động quanh vùng 1.250 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, dự báo thị trường sẽ sớm có "rung lắc" khi VN-Index tiến tới ngưỡng kháng cự mạnh tại vùng 1.260 điểm. Do đó, những nhà đầu tư "lỡ sóng" không nên vội mua vào mà cần kiên nhẫn chờ đợi những nhịp tăng giảm đan xen để canh mua cổ phiếu ở mức giá tốt hơn.
Về cơ hội đầu tư cụ thể, nhà đầu tư có thể cân nhắc nhóm cổ phiếu ngân hàng khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng trở lại trong nửa cuối tháng 7 và định giá của nhóm ngành này vẫn tương đối rẻ sau đợt giảm vừa qua. Các nhóm ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ cũng có nhiều triển vọng vì xuất khẩu đang cải thiện mạnh mẽ.
Theo Thái Phương (Nld.com.vn)