Thêm loạt nhà băng giảm mạnh, ngân hàng nào còn duy trì lãi suất 7%/năm?

24/08/2023 13:40:49

Từ 24/8, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần công bố giảm lãi suất huy động. Thị trường ghi nhận chỉ còn 5 ngân hàng duy trì mức lãi suất 7%/năm ở một vài kỳ hạn dài.

Thêm loạt nhà băng giảm mạnh, ngân hàng nào còn duy trì lãi suất 7%/năm?

Việc 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đồng loạt giảm sâu lãi suất huy động tạo động lực lớn cho các ngân hàng thương mại cổ phần tiếp tục trên đà giảm lãi suất.

Trong hôm nay, một loạt ngân hàng thương mại cổ phần công bố giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý có những ngân hàng vốn duy trì lãi suất trên 7%/năm ở một vài kỳ hạn như ABBank, PVCombank cũng đồng loạt đưa lãi suất về dưới 7% ở tất cả các kỳ hạn.

Động thái này cho thấy nhiều khả năng trong nay mai số ít các ngân hàng còn duy trì lãi suất 7% trở lên sẽ lại tiếp tục hạ lãi suất.

Hiện chỉ còn 5 ngân hàng duy trì mức lãi suất từ 7% trở lên ở các kỳ hạn dài, bao gồm: NCB, VietA Bank, Nam A Bank, CBBank, và OceanBank.

Sáng nay 24/8, ABBank lần đầu tiên trong tháng 8 công bố giảm lãi suất huy động với mức giảm cực mạnh. Đây là ngân hàng duy trì lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng với mức 7%/năm trong nhiều tháng qua.

Trên kênh online, lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 – 60 tháng với mức giảm cao nhất lên đến 1 điểm phần trăm. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng giảm mạnh từ 7% xuống còn 6%/năm. Kỳ hạn 7 – 8 tháng giảm từ 6,7% xuống còn 6,3%/năm. Kỳ hạn 9 – 12 tháng giảm giảm từ mức 6,7% xuống chỉ còn 5,7%/năm.

Các kỳ hạn tiền gửi từ 13 – 36 tháng cũng giảm mạnh từ 6,4% xuống chỉ còn 5,4%/năm, kỳ hạn 48 – 60 tháng giảm từ 6% xuống chỉ còn 5%/năm.

PVCombank cũng lần đầu tiên trong tháng giảm lãi suất huy động kể từ hôm nay. Mức giảm 0,3 điểm phần trăm diễn ra với các kỳ hạn tiền gửi từ 6 – 36 tháng khiến cho lãi suất huy động tại nhà băng này cũng rời mốc 7%/năm.

Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 – 11 tháng chỉ còn 6,7%/năm, kỳ hạn 12 – 13 tháng còn 6,8%/năm, và kỳ hạn 18 – 36 tháng còn 6,9%/năm.

Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) cũng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên kể từ hôm nay. Đây là lần thứ hai trong tháng CBBank thực hiện giảm lãi suất. Kỳ hạn 6 tháng tại CBBank còn 6,6%/năm, kỳ hạn 7 – 11 tháng còn 6,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 6,9%/năm, và kỳ hạn 13 tháng trở lên còn 7%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank) lần thứ ba trong tháng công bố giảm lãi suất huy động, mức giảm từ 0,25 – 0,4 điểm phần trăm.

Theo đó, lãi suất huy động online, kỳ hạn 6 tháng tại ngân hàng này giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 6,5%/năm. Cũng với mức giảm tương tự, lãi suất kỳ hạn 7 – 8 tháng còn 6,65%/năm, kỳ hạn 9 – 11 tháng còn 6,7%/năm. 

Riêng kỳ hạn 12 tháng được BaoViet Bank giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 6,95%/năm; kỳ hạn 13 – 36 tháng giảm mạnh nhất 0,4 điểm phần trăm xuống còn 6,9%/năm.

Không dừng lại ở đó, MSB vốn thuộc nhóm ngân hàng có lãi suất thấp nhất thị trường nay cũng tiếp tục công bố hạ lãi suất huy động lần thứ hai trong tháng. 

Mức lãi suất được MSB ấn định giảm là 0,2 điểm phần trăm tiền gửi kỳ hạn từ 6 – 36 tháng. Theo đó, lãi suất huy động online kỳ hạn 6 – 11 tháng còn 5,7%/năm, kỳ hạn 12 – 36 tháng còn 5,8%/năm. Lãi suất các kỳ hạn 1 – 5 tháng giữ nguyên mức cũ 4,5%/năm.

Theo thống kê từ đầu tháng Tám tới nay, các ngân hàng giảm lãi suất huy động gồm: BIDV, Vietcombank, Agribank, VietinBank, TPBank, ACB, Eximbank, Techcombank, NCB, VietBank, ABBank, OceanBank, HDBank, Sacombank, VIB, VPBank, MSB, BacA Bank, Saigonbank, CBBank, VietA Bank, SHB, OCB, BaoViet Bank, BVBank, GPBank, MB, SeABank, VietA Bank, SCB, ABBank, Pvcombank và KienLongBank. 

Trong đó, Sacombank, BacA Bank, Saigonbank, GPBank, TPBank, SHB, HDBank, CBBank, MSB đã giảm lãi suất 2 lần kể từ đầu tháng 8. Ngân hàng NCB, Techcombank, VIB, BaoViet Bank đã có 3 lần giảm lãi suất kể từ đầu tháng, VietBank đã giảm lãi suất tới 4 lần, trong khi ACB và Eximbank giảm lãi suất tới 5 lần kể từ đầu tháng. 

Thêm loạt nhà băng giảm mạnh, ngân hàng nào còn duy trì lãi suất 7%/năm? - 1

 

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)