Lên đỉnh lịch sử
Trong phiên giao dịch 7/7, giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Hầu hết các doanh nghiệp buôn bán vàng lớn đều niêm yết giá vàng bán ra ở mức trên 50 triệu đồng/lượng, tăng thêm 150-350 nghìn đồng/lượng so với cuối giờ chiều phiên liền trước.
Đầu giờ chiều 7/7, giá vàng SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 49,99 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,10 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 49,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,22 triệu đồng/lượng (bán ra).
Buổi sáng cùng ngày, giá vàng có lúc lên 50,35 triệu đồng/lượng.
Đến chiều 7/7 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.786 USD/ounce (tương đương 50,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí). Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.794 USD/ounce.
Mặc dù giá vàng tăng mạnh, lên đỉnh cao mới, nhưng giao dịch khá trầm lắng. Tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu, lượng khách mua vào chỉ chiếm 40%, trong khi bán ra khoảng 60%. Nhu cầu mua vàng miếng ở thị trường trong nước không cao.
Đây là diễn biến khác so với các đợt vàng tăng vọt lên đỉnh các năm trước. Bởi, mỗi khi giá vàng tăng vọt, thị trường chứng kiến những dòng người xếp hàng mua vàng. Chênh lệch giá vàng lên tới vài triệu đồng/lượng.
Trong đợt tăng lần này, chênh lệnh giá vàng không quá cao, không thay đổi nhiều so với trước đó. Người dân thậm chí tranh thủ bán vàng khi giá lên cao.
Tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, giá vàng thế giới có thể tăng tiếp, chứ không quay đầu giảm nhanh như các đợt sốt trước đó. Vàng có thể chứng kiến những đợt điều chỉnh, nhưng mức giảm được dự báo khá ít và xu hướng dài hạn vẫn chưa thay đổi, vẫn theo chiều đi lên.
Trên thực tế, sau khi tăng vọt lên đỉnh cao 8 năm rưỡi, giá vàng trên thị trường châu Á và châu Âu cuối ngày 7/7 đã hạ nhiệt, xuống trở lại ngưỡng 1.770 USD/ounce (khoảng 50,1 triệu đồng/lượng). Dù vậy, giá vàng giao tháng 8 vẫn chênh lệch khá cao, cao hơn giá vàng giao ngay 14-15 USD/ounce.
Nhiều tổ chức tài chính cho rằng, giá vàng trong năm 2020 và các năm sau đó có thể thiết lập kỷ lục mới trong bối cảnh địa chính trị bất ổn, đại dịch Covid-19 vẫn chưa suy giảm, thế giới chưa tìm ra vaccine chống lại virus SARS-CoV2. Giới đầu tư vẫn có xu hướng tìm đến những tài sản trú ẩn an toàn, trong đó có kim loại quý.
Chờ những đợt tăng mới
Thị trường vàng trong nước trong đợt lập kỷ lục mới hôm 7/7 cũng có diễn biến khác so với những lần lập đỉnh trong quá khứ. Sau khi tăng vọt lên đỉnh 50,35 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC chỉ quay đầu giảm nhẹ vào cuối giờ chiều.
Trước đó, có những đợt sốt chứng kiến giá vàng sụt giảm 1-2 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ. Khi đó, giá vàng trong nước không những tăng mạnh theo thế giới mà còn tăng với tốc độ cao hơn nhiều do nhu cầu mua vàng tăng vọt như hồi cuối 2011 khi vàng SJC lên tới 49 triệu đồng/lượng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao, chưa kể vàng còn chịu tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết, Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU)...
Ông Hiếu dự báo thời gian tới, giá vàng có thể tăng lên 1.800 lên đến 1.850 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng không thể lên mãi được. Ông Hiếu cũng cảnh báo rủi ro bởi chênh lệch giữa giá mua và giá bán ở trong nước vẫn cao.
Trên thực tế, tới cuối giờ chiều 7/7, giá vàng SJC do Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 49,70 triệu đồng/lượng (mua vào) và 50,17 triệu đồng/lượng (bán ra), tương ứng mức chênh là 470.000 đồng/lượng. Con số này không cao so với những đợt sốt trước đây song cũng khiến những người muốn mua bán lướt sóng kiếm lời gặp khó.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho rằng, vàng vẫn trong xu hướng tăng nhưng trong thời gian tới không mức tăng sẽ không mạnh như giai đoạn vừa qua.
Theo ông Trí, thị trường vàng vẫn được hỗ trợ chủ yếu bởi những yếu tố bất ổn trên thế giới như thiên tai dịch bệnh và tăng trưởng cung tiền ở hầu khắp các nước trên phạm vi toàn thế giới.
Trên thế giới, nhiều tổ chức đưa ra dự báo sốc khi cho rằng, vàng mới bắt đầu một chu kỳ tăng giá và đỉnh có thể đạt được vào năm 2022, ở mức 2.000 thậm chí 3.000 USD/ounce. Thậm chí, giá vàng sẽ không quay đầu giảm mạnh như giai đoạn 2012-2015, giá vàng trong nước đạt đỉnh 49 triệu đồng/lượng (2012) rồi giảm dần xuống đáy 35 triệu đồng/lượng.
Sau thời gian nằm im, trong vòng 1 năm rưỡi, giá vàng tăng bùng nổ gần 40% từ 2019 cho tới nay. Song, dự báo cho thấy đây vẫn chưa là đỉnh của đợt tăng này, mà đỉnh có thể được thiết lập vào 2022 trong bối cảnh thế giới đón nhận lượng tiền lên tới cả chục nghìn tỷ USD và nhiều nền kinh tế đang duy trì lãi suất âm.
Trên Kitco, TD Securities đưa ra dự báo giá vàng sẽ biến động trong quý III và đang trên đường đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2021. Một đồng USD suy yếu, lãi suất thực âm và dịch Covid-19 kéo dài sẽ thúc đẩy thị trường vàng.
Theo V. Minh (VietNamNet)