Từ năm 2017 đến nay, hệ thống ngân hàng đón nhận “làn sóng” thay đổi lãnh đạo cấp cao nhất của ngân hàng đặc biệt tại vị trí tổng giám đốc, hơn một năm qua, hàng loạt ngân hàng đã công bố việc thay “tướng”. Tuy nhiên, cách thay CEO mỗi ngân hàng cũng không giống nhau khi có ngân hàng thì tuyên bố rộng rãi nhưng cũng không ít ngân hàng lại chọn cách âm thầm.
Rầm rộ thay “tướng”
Mới đây nhất, “ghế nóng” tổng giám đốc tại SeABank lại tiếp tục có sự thay đổi khi ông Nguyễn Cảnh Vinh sẽ thôi đảm nhiệm vai trò này chỉ sau 4 tháng điều hành.
Từ ngày 8/2, ông Vinh sẽ không còn là Tổng giám đốc tại SeABank. "Người cũ" là ông Lê Văn Tần sẽ trở lại vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành hoạt động của SeABank. Trước khi ông Vinh tới SeABank, ông Tần cũng là người được giao đảm nhiệm điều hành hoạt động của ngân hàng khi ông Đặng Bảo Khánh từ nhiệm vị trí tổng giám đốc vào tháng 6/2017.
Thực tế, SeABank không phải ngân hàng duy nhất có sự xáo trộn tại vị trí cao nhất trong ban điều hành thời gian gần đây.
Tháng 1/2017, MBBank đã có sự hoán đổi vai trò giữa vị trí tổng giám đốc và phó chủ tịch HĐQT khi ông Lê Công rời ghế Tổng giám đốc để chuyển sang vị trí Phó chủ tịch ngân hàng. Vị trí này sau đó được ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, đảm nhiệm thay thế.
Trong tháng 4/2017, Eximbank cũng đã bổ nhiệm ông Lê Văn Quyết làm tổng giám đốc để thay ông Phạm Hữu Phú rời ghế vì hết nhiệm kỳ từ tháng 10/2015. Trong giai đoạn tìm người thay thế ông Phú, ông Trần Tấn Lộc được giao đảm nhiệm quyền tổng giám đốc điều hành hoạt động của ngân hàng.
Tại Sacombank, vị trí CEO hiện được bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đảm nhiệm sau khi ông Phan Huy Khang bị miễn nhiệm từ tháng 7/2017. Đáng chú ý, sau khi rời nhiệm không lâu, ông Khang cùng nguyên Phó chủ tịch thường trực Trầm Bê đã bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng. Cùng với việc bà Diễm chính thức nhận ghế Tổng giám đốc Sacombank từ tháng 7/2017, hai lãnh đạo cuối cùng xuất thân từ Southerbank cũng rời khỏi Ban điều hành Sacombank.
Tháng 9/2017 vừa qua, ông Nguyễn Lê Quốc Anh đã chính thức được bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc Techcombank. Trước đó, ông Quốc Anh đã là Phó tổng giám đốc phụ trách điều hành từ đầu tháng 3/2016 khi CEO ngoại của nhà băng này là ông Murat Yuldashev thôi nhiệm vì lý do cá nhân.
Âm thầm bổ nhiệm
Trong khi nhiều ngân hàng chọn cách công bố rộng rãi, công khai việc bổ nhiệm CEO của mình thì một số lại lựa chọn bổ nhiệm một cách âm thầm.
Vào tháng 5/2017, VietABank cũng thay tổng giám đốc khi miễn nhiệm bà Phương Thanh Nhung sau 3 năm nắm giữ ghế CEO ngân hàng. Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Hảo được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc điều hành. Đến tháng 7/2017, ông Hảo chính thức được bổ nhiệm là Tổng giám đốc ngân hàng này.
Tháng 1 vừa qua, ABBank cũng đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Tổng giám đốc Cù Anh Tuấn vì lý do cá nhân. Ông Nguyễn Mạnh Quân là Phó tổng giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc. Thực tế, ông Cù Anh Tuấn chỉ ngồi ghế CEO từ đầu tháng 2/2016.
Một loạt ngân hàng khác như NCB, NamABank, PVComBank... đều có những xáo trộn ở vị trí CEO ngân hàng nhưng ít được dư luận chú ý.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết về việc tuyển dụng CEO, công bố hay âm thầm không phải vấn đề thuộc về marketing hay PR mà do bối cảnh vụ thể của từng ngân hàng. Khi đã tuyển dụng, bắt buộc ngân hàng phải công bố. Còn việc chọn công khai là do mỗi ngân hàng hoặc người được chọn chấp nhận cuộc chơi.
"Người ta thấy công bố có lợi cho cả ngân hàng cho cả người được chọn thì họ sẵn sàng làm. Có người được tuyển nhưng chưa chắc chắn hoặc bản thân người tuyển cũng thấy ông tổng giám đốc này 'chưa an toàn' thì phải chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép rồi mới công bố", ông Toại cho hay.
Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết thêm bản chất thì ngân hàng đi tuyển dụng cũng đã có thông tin, background về cá nhân ứng viên nhưng không phải tất cả. Chỉ khi nhân sự mới này gia nhập, họ mới phát hiện ra nhiều thông tin hơn.
"Hôm nay là anh hùng, ngày mai là tội đồ là chuyện bình thường, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng", ông Toại khẳng định.
Ông Toại cũng cho biết mỗi ngân hàng chỉ có từng đó chức danh, khi thiếu thì mới phải tuyển. Trung bình ban giám đốc một ngân hàng cũng chỉ khoảng 10 người. Thời gian qua, chủ yếu do các đại án hút nhiều lãnh đạo ngân hàng liên qua, có những ngân hàng từ tổng giám đốc cho tới tài xế đi tù thì việc tuyển thêm là cần thiết.
Còn theo bà Ngô Ngọc Lan, Giám đốc Navigos Search miền Bắc, các trường hợp xin nghỉ hoặc khi ngân hàng có kế hoạch tuyển dụng thì đều có người thay thế và nhắm từ trước.
Nếu tổng giám đốc ngân hàng đệ đơn xin nghỉ thì sẽ sắp xếp cơ cấu tạm một người nào đó thay thế và để chức danh quyền tổng giám đốc. Việc này đồng thời để phục vụ việc xin ý kiến của NHNN sau khi phê duyệt mới được thông báo chính thức.
"Không phải ông chủ, bà chủ nào của ngân hàng muốn đặt ai vào vị trí tổng giám đốc cũng được mà phải có sự cho phép của NHNN", bà Lan khẳng định.
Cũng theo vị này khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, ngân hàng thường lựa chọn vị trí theo định hướng có sẵn. Nếu tìm được một người rất giỏi nhưng không nằm trong định hướng, ngân hàng vẫn có thể mời người đó về và suy nghĩ phương án để có thể vận dụng chất xám của người đó.
"Ngân hàng đều có chiến lược riêng chứ không vì một ông tổng giám đốc hay phó tổng giám đốc mà thay đổi chiến lược đó. Ví dụ năm nay có ngân hàng muốn phát triển mạnh digital banking thì phải tìm người giỏi digital banking cả trong và người nước", bà Lan cho hay.
Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)