Chỉ trong thời gian ngắn, cùng lúc 3 ngân hàng Eximbank, NCB, Maritime Bank bổ nhiệm CEO mới, cho thấy làn sóng thay "tướng" vẫn diễn ra dồn dập cùng quá trình tái cấu trúc hệ thống.
Chỉ trước đó một ngày, thị trường tài chính lại chứng kiến sự ra đi của ông Phạm Hữu Phú, từ nhiệm CEO tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank vì lý do cá nhân. Ông Trần Tấn Lộc lên thay với vai trò là quyền Tổng giám đốc.
Còn tại Maritime Bank, hôm 8/10, Hội đồng Quản trị nhà băng này cũng thông báo chính thức bổ nhiệm ông Huỳnh Bửu Quang giữ chức vụ Tổng giám đốc, thay ông Atul Malik.
Tiếp sau những ngân hàng trên, LienVietPostBank cũng sẽ có sự thay đổi quan trọng trong ban điều hành thời gian tới. Ngày 6/1/2016, ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường bầu bổ sung thành viên hội đồng quản trị.
Theo nội dung được gửi tới cổ đông hồi tháng 10, LienVietPostBank sẽ thay đổi Tổng giám đốc. Cụ thể, ngân hàng sẽ bầu ông Phạm Doãn Sơn, hiện đang là Tổng giám đốc, vào Hội đồng quản trị. Vị trí ông Sơn để lại sẽ cần người thay thế.
CEO ngân hàng tiếp tục biến động mạnh. |
Chia sẻ về quyết định thay đổi CEO tại Ngân hàng Quốc Dân, bà Trần Hải Anh, Phó chủ tịch thường trực cho biết, hoạt động của NCB hiện nay đã có sự thay đổi về chất. Không chỉ xử lý thành công những khó khăn cũ để lại, ngân hàng còn nhanh chóng tạo dựng được nền tảng công nghệ vững chắc, hoạt động theo chuẩn và thông lệ quốc tế, hệ thống sản phẩm dịch vụ đồng bộ và đầy đủ.
"Chúng tôi tin tưởng hành trình đổi mới của NCB sau 20 năm sẽ được đẩy nhanh hơn, ngân hàng sẽ vững bước phát triển mạnh mẽ với sự tham gia điều hành của tân Tổng giám đốc Đào Trọng Khanh", bà nói.
Một thành viên Hội đồng quản trị Maritime Bank cũng cho rằng, nhà băng đã đạt được những bước tiến mạnh và đang trên đà phát triển nhanh nên quyết định bổ sung thêm những "thủ lĩnh" với kiến thức, chuyên môn ngân hàng quốc tế đã được công nhận.
"Đó là lý do tại sao Hội đồng quản trị đã chọn ông Quang làm Tổng giám đốc mới. Chúng tôi kỳ vọng ông ấy sẽ dẫn dắt ngân hàng trong hành trình tiến đến tiêu chuẩn toàn cầu", ông chia sẻ.
Trước khi về Maritime Bank, ông Huỳnh Bửu Quang đã có gần 20 năm công tác, nắm giữ những vị trí cao trong ban điều hành của Tập đoàn HSBC tại Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Võ Trí Thành thì nhìn nhận, sự xáo trộn ghế nóng trong ngành ngân hàng hiện nay gắn liền với hai góc độ. Thứ nhất là bị chi phối bởi việc đổi chủ sở hữu và làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng. "Một khi mục tiêu, ý đồ chiến lược của ông 'trùm' ngân hàng thay đổi thì chiếc ghế nóng CEO đổi chủ là điều khó tránh", ông Thành nói và cho rằng, mặc dù cho đến nay sự thay đổi này chủ yếu mới diễn ra âm thầm trong nội bộ nhà băng, song việc có nhiều nhà điều hành mới sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cách quản trị ngân hàng. "Do vậy, trào lưu tuyển mới và 'thay máu' sẽ diễn ra mạnh hơn khi tiến trình M&A đang gia tăng nhanh", ông Thành nói.
Yếu tố thứ hai, theo Tiến sĩ Thành là phụ thuộc vào tính cung cầu của thị trường CEO. "Xu hướng thay đổi tổng giám đốc này là bình thường trong hoạt động phát triển ngành ngân hàng hiện nay", ông nhận xét.
Nhìn nhận sự khốc liệt của làn sóng thay đổi "ghế nóng" tại các ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, sự thay đổi đó là tất yếu trong bối cảnh toàn hệ thống ngân hàng đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, kèm theo đó là những áp lực về nợ xấu và sức ép hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm.
Với nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đặc biệt là xu thế hội nhập, theo các chuyên gia, thị trường sẽ còn tiếp tục chứng kiến làn sóng biến động nhân sự mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
Nhưng điểm dễ thấy là các CEO ngân hàng mới bổ nhiệm không hề xa lạ trong giới ngân hàng. Theo lãnh đạo một nhà băng, chính câu chuyện CEO "chạy" lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau cho thấy thị trường này đang vắng bóng nhân sự chủ chốt và cấp cao như thế nào.
Theo Hoài Thu (VnExpress.net)