Masan chi trăm triệu USD thâu tóm Phúc Long, vì sao?

16/02/2022 08:27:56

Từ khi nhận khoản đầu tư đầu tiên của Masan, Phúc Long cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược "Point-of-Life" của doanh nghiệp này.

Trên Dân Trí, Tập đoàn Masan vừa mua thêm 31% cổ phần của chuỗi cà phê, trà sữa Phúc Long với giá 110 triệu USD. Sau giao dịch này, Masan sở hữu 51% cổ phần Phúc Long, chính thức trở thành công ty mẹ của thương hiệu trà sữa lâu đời tại Việt Nam và sẽ hợp nhất kết quả kinh doanh của hệ thống này vào báo cáo tài chính của tập đoàn.

Với mức giá 110 triệu USD để đổi lấy 31% cổ phần, Masan định giá Phúc Long 355 triệu USD, tương đương hơn 8.000 tỷ đồng. Tập đoàn này chia sẻ thêm hệ số định giá trên lợi nhuận mỗi cổ phần (P/E) với Phúc Long khoảng 15 lần dựa trên lợi nhuận ước tính sơ bộ 2022.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 15 triệu USD để mua 20% cổ phần Phúc Long, tương đương mức định giá chuỗi cà phê, trà sữa này ở mức 75 triệu USD. Như vậy, chỉ sau chưa đầy một năm, giá trị của Phúc Long đã tăng gần 5 lần.

Masan chi trăm triệu USD thâu tóm Phúc Long, vì sao?
Các kiosk Phúc Long đem về lượng khách hàng và doanh thu cho WinMart+. Ảnh: Phúc Long.

Ban lãnh đạo Masan chia sẻ trên VnExpress, từ khi nhận khoản đầu tư đầu tiên, Phúc Long cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược "Point-of-Life" của doanh nghiệp này. Thành công trong việc triển khai ki-ốt Phúc Long trong các cửa hàng WinMart giúp Masan tự tin thí điểm mini-mall – mô hình tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một địa điểm.

Trên Zing, theo thông tin tại buổi chia sẻ giữa Masan và các nhà đầu tư, trước khi tích hợp, cửa hàng WinMart+ này phục vụ trung bình 3.200 khách hàng mỗi tháng và thu về 25 triệu đồng/ngày. Nhưng chỉ sau 2 tháng thử nghiệm, doanh số tăng lên 28 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ các thương hiệu tích hợp.

Riêng kiosk Phúc Long bán được khoảng 6-7 triệu đồng, tương đương khoảng 100-150 ly trà, cà phê mỗi ngày. Theo thỏa thuận, WinCommerce hưởng 20% doanh thu của Phúc Long tại WinMart+.

"Các kiosk đang hoạt động giúp gia tăng 30% lượng khách hàng đến WinCommerce, đồng thời giúp cải thiện biên EBITDA lên gần 4%. Doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đối với các cửa hàng mới có kiosk Phúc Long thấp hơn 15% so với các cửa hàng không có kiosk", đại diện Masan chia sẻ trên Zing.

Điều này có ý nghĩa lớn đối với mảnh ghép WinCommerce của Masan. Quý 3/2021 đánh dấu lần đầu tiên hệ thống bán lẻ này báo lãi ròng sau thuế. EBITDA của WinCommerce đạt 5,5%, vượt xa con số âm 3% của cùng kỳ năm 2020.

Phúc Long là yếu tố chủ chốt trong hệ sinh thái Point of Life, để Masan giành được 80% mức chi tiêu của người Việt. Cụ thể, theo chiến lược của Masan, tỷ trọng 80% này bao gồm 27% là thực phẩm và 26% là tài chính, vốn đã được tích hợp.

Với 28% còn lại dành cho giải trí, sức khỏe và giáo dục, việc nâng tỷ trọng đóng góp của Phúc Long sẽ giúp Masan tiến gần hơn đến mức 28% này.

Bên cạnh những lợi ích dễ thấy về khách hàng và doanh số sau cái "bắt tay" giữa hai ông lớn, theo quan sát của một chuyên gia trong ngành, Tập đoàn Masan cũng chưa có sản phẩm hay dịch vụ nào nổi bật trong mảng F&B.

"Việc Masan bỏ số tiền lớn như vậy để mua Phúc Long là hợp lý, giúp doanh nghiệp đổ bộ ngành F&B bằng một thương hiệu uy tín và được yêu thích", vị chuyên gia kết luận.

Masan chi trăm triệu USD thâu tóm Phúc Long, vì sao? - 1
Phúc Long chính thức trở thành công ty con của Masan

Còn từ phía Phúc Long, quyết định bán 51% cổ phần được xem là táo bạo. Theo một số đồn đoán, nhà sáng lập Lâm Bội Minh có thể bán hết số cổ phần còn lại. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận của Zing ở Phúc Long phủ nhận tin đồn này.

Ở góc độ chiến lược, vị chuyên gia nói trên cũng nhìn nhận đây là hướng đi có lợi cho Phúc Long. Bởi lẽ, ông Lâm Bội Minh nay đã gần 80 tuổi, dàn lãnh đạo của doanh nghiệp nhìn chung cũng đã lớn tuổi, việc tìm kiếm đội ngũ kế thừa hay lối ra mới cho thương hiệu là điều dễ hiểu.

"Bán cho Masan vừa được giá lại được tiếng, đồng thời an toàn cho thương hiệu. Nhìn lại giai đoạn dịch bệnh vừa qua, khi những doanh nghiệp F&B khác điêu đứng, Phúc Long vẫn trụ vững và tăng trưởng không ngừng. Rõ ràng, đây là thương vụ lợi cả đôi bên", vị này nói.

Thực tế, hiện Phúc Long đã có hơn 600 kiosk tại các siêu thị VinMart+, chưa kể số cửa hàng độc lập cũng đã lên đến 84.

Như vậy, chỉ sau chưa đầy 1 năm hợp tác cùng Masan, Phúc Long đã tăng gấp gần 9 lần quy mô cửa hàng dù trong điều kiện dịch bệnh. Vượt mặt ông lớn Highlands, Phúc Long trở thành chuỗi trà, cà phê có số điểm bán nhiều nhất trong phân khúc trung và cao cấp.

Theo thông tin trên VnExpress, Masan dự kiến năm nay mở 2.000 cửa hàng mini-mall với quy mô, hình thức khác nhau dựa trên phân tích đặc trưng từng khu vực. Phúc Long sẽ đóng góp khoảng 2.500-3.000 tỷ đồng doanh thu nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng, ki-ốt trong chuỗi WinMart+ và đa dạng danh mục phẩm.

Với mục tiêu dài hạn được chia sẻ giữa năm ngoái, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Vincommerce dự kiến mở 1.000 ki-ốt trà sữa trong vòng 12 tháng từ khi đầu tư vào Phúc Long và góp 500 triệu USD doanh thu vào năm 2025.

PN (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật