Thanh long Bình Thuận đổ về Sài Gòn giá 15.000 đồng 2 kg

09/10/2018 13:38:05

Không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, thanh long Bình Thuận đang tràn về TP.HCM với mức giá rất rẻ. Tuy nhiên, tốc độ tiêu thụ loại quả này vẫn chậm.

"Chỉ vài ngày trước, giá thanh long vẫn còn cao gấp đôi, bán ra 15.000 đồng/kg, nay đã rớt xuống còn một nửa" - một người bán thanh long tại khu chợ trên đường Phạm Huy Thông (quận Gò Vấp) cho biết.

Cung vượt quá cầu và thị trường lớn nhất là Trung Quốc bị “dội hàng”, thanh long Bình Thuận đang xuất hiện nhiều tại TP.HCM với mức giá chỉ 15.000 đồng cho 2 kg. Người mua thậm chí có thể trả giá xuống thấp hơn nữa.

Thanh long Bình Thuận đổ về Sài Gòn giá 15.000 đồng 2 kg
Một điểm bán thanh long trên lề đường tại quận Gò Vấp. Ảnh: Việt Đức.

Người bán thanh long trên đường Phan Văn Trị chia sẻ sau khi không thể tiếp tục bán thanh long cho Trung Quốc, các hộ dân ở Bình Thuận đã phải tìm cách đưa loại trái cây này vào TP.HCM để tiêu thụ.

Người bán hàng cho biết thanh long mình đang bán ra được thương lái thu mua tại vườn của nông dân với giá 1.500 đồng/kg. Dù vậy, số lượng thanh long ở Bình Thuận chưa tìm được đầu ra vẫn còn rất nhiều.

Mặc dù chỉ có giá 7.000 - 8.000/kg nhưng hiện tại lượng khách không nhiều, tốc độ bán ra rất chậm. Ở Bình Dương cũng đang có nhiều thanh long được bán ở lề đường tương tự như tại TP.HCM - người này nói thêm sau ngày đầu bán hàng tại đây. 

Thanh long Bình Thuận đổ về Sài Gòn giá 15.000 đồng 2 kg - 1
Một xe bán thanh long trên đường Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp. Ảnh: Việt Đức.

Buổi sáng 9/10, bà Nguyệt, chủ một vườn thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cập nhật với Zing.vn hiện tại giá thanh long loại 1 đạt các tiêu chuẩn khắt khe về kích cỡ, vỏ trái để xuất khẩu được mua với giá 4.000 đồng/kg còn thanh long loại 2, loại 3 tức “hàng dạt” chỉ có giá 1.000 đồng/kg.

Theo thống kê, Bình Thuận hiện là tỉnh cung cấp thanh long cho thị trường nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, tạo sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

Tuy nhiên trong số đó, hơn 80% đều được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi không thể xuất khẩu, trái thanh long, đặc biệt là “hàng dạt” phải chấp nhận bán cho thương lái với giá rẻ như cho để tiêu thụ tại các tỉnh thành. 

Theo Việt Đức (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật