Nước mắt rơi trên ruộng thanh long

08/10/2018 15:56:00

Mấy ngày nay từ Bình Dương chạy dọc các tuyến đường vào trung tâm Sài Gòn, nhìn những xe tải chở đầy ấp thanh long bán bên đường, tôi không khỏi bất an. Những quả thanh long to tròn, tươi rói được bán với giá 10.000 đồng/kg. Thậm chí nhiều chỗ đổ đống 3 kg/10.000 đồng.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long

ôi gọi về nhà hỏi thăm. Quê tôi ở Bình Thuận, "thủ phủ" của trái thanh long. Bên kia đầu dây, giọng mẹ tôi như run lên: "Con ơi, giá thanh long rớt thảm quá!". Nghe đến đây, nước mắt tôi trực trào. Đang thời điểm chín rộ, giá thanh long lại rớt kỷ lục, nông dân một phen lao đao. Người trồng thanh long như ngồi trên đống lửa, thấp thỏm dõi theo thị trường từng ngày.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 1

Gia đình bà Nguyễn Thị Tám (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam) có gần 1.500 trụ thanh long đã tới thời kỳ thu hoạch nhưng hơn một tuần nay không có thương lái hỏi mua, chở đến các vựa cũng bị từ chối không nhận. Vì không thể treo trái mãi trên trụ, gia đình bà đành phải thu hoạch và chất đống ngoài vườn. Nhà ông Nguyễn Văn Hồng (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cũng vừa đổ bỏ hơn 5 tấn thanh long thu hoạch nhưng không ai mua, mặc dù đã chạy vạy khắp nơi để tìm thương lái.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 2

hông chỉ ở tỉnh Bình Thuận, người trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang và huyện Châu Thành, tỉnh Long An cũng phải đổ bỏ vì giá thanh long xuống thấp thê thảm. Nhiều nông dân dù trồng thanh long lâu năm vẫn phải cắt bỏ tại vườn hoặc cho người khác cắt lấy trái để dưỡng cây.

Dọc tuyến Quốc lộ 50 thuộc huyện Chợ Gạo, hàng đống thanh long được người dân đổ ra lộ bán với giá 2.000 đồng/kg đỏ rực một đoạn dài. Tuy nhiên, số người mua không đáng là bao. "Nhà vườn mang ra đây bán giá 1.000 đồng/kg. Mình mua bán lại 2.000 đồng/kg nhưng ế lắm. Ngày nào cũng có thanh long hư phải đổ bỏ..." -  một người bán hàng ven đường than thở.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 3
Một người dân buồn bã với đống thanh long vừa thu hoạch nhưng không ai mua

Đứng bên đống thanh long vừa đổ bỏ bên đường, bác Nguyễn Văn Hồng, huyện Châu Thành, nói như mếu: "Thanh long vụ này cho cũng không ai lấy vì quá nhiều. Mấy vựa lớn họ thấy nhà vườn mang ra bán, tội nghiệp nên đành phải thu mua với giá rất rẻ vì không mua thì dân không biết bỏ đâu. Vì vậy mà ngày nào cũng có hàng đống thanh long đổ bỏ thế này".

Hơn chục năm nay, cái cảnh thanh long được mùa mất giá, được giá thì mất mùa cứ liên tục tái diễn chưa có hồi kết. Lúc không có để bán, lúc đổ đống không ai thèm nhặt. Mới hơn nửa tháng trước, ngay dịp trung thu giá thanh long thu mua tại vườn còn mấp mé 25.000 đồng/kg, bà con chưa kịp phấn khởi. Vậy mà nửa tháng sau lại rớt giá không tưởng. Thanh long loại 1 còn được thương lái chọn mua, loại nhỏ hơn thì đổ đống, không thể bán được.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 4

rên đôi vai của những người nông dân một nắng hai sương, không chỉ có gánh nặng về sản lượng mà còn nơm nớp âu lo về sự bấp bênh của thị trường. Nói chính xác hơn, đầu ra ở các "thủ phủ" thanh long gần như nằm trong sự khống chế của đầu nậu Trung Quốc. Do nắm được đầu ra nên thương lái Trung Quốc dễ dàng thao túng giá. Họ nghiên cứu rất kỹ sản lượng thanh long theo từng mùa. Đến thời điểm thu hoạch rộ thì bắt đầu ép giá, đẩy phần thiệt về phía người trồng. Tình trạng này cứ diễn ra triền miên khiến nông dân nhiều phen điêu đứng. Ngán ngẩm nhưng đành bất lực, không làm gì được.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 5

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 6

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 7

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 8
Thanh Long chất đầy ngoài đường nhưng chẳng mấy người đến mua

Giá thanh long hiện nay rớt chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg. Mua xô tại vườn thì 500 – 1.000 đồng/kg. Nhưng hầu hết các vựa cũng đã đầy hàng nên muốn bán cũng khó.

Do bức xúc trước tình trạng thao túng thị trường của giới đầu nậu Trung Quốc nên nhiều chủ vườn quyết "treo hàng", đợi giá chứ nhất định không bán rẻ. Có người bỏ tiền mua giấy gói trái, bảo quản thanh long trên cây, quyết tâm chờ giá, cố làm áp lực với thương lái.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 9
Người dân lấy giấy gói trái để bảo quản thanh long trên cây...

Một nỗi lo vô hình cứ trào dâng: Không biết những nỗ lực cầm cự của người nông dân xứ thanh long duy trì được đến bao giờ và liệu có hiệu quả không khi thanh long "treo" lâu sẽ bị hỏng, cuối cùng rồi cũng… đổ cho bò ăn. Đến lúc đó, chính họ lại là người chịu thiệt. Mà thực tế nhiều vườn thanh long đã phải cắt bỏ, đổ đống ngay tại vườn, tại rẫy. Bởi chi phí vận chuyển về nơi thu mua còn cao hơn nhiều so với giá bán.

Không biết đến bao giờ người trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An và nhiều tỉnh thành khác ở Việt Nam mới thôi chịu cảnh bấp bênh, khốn đốn này?! Không biết đến bao giờ người trồng mới tìm được thị trường tiêu thụ chủ lực ổn định, ngoài bạn hàng Trung Quốc?! Để sau mỗi mùa vụ, trên gương mặt những người nông dân này là niềm hân hoan, rạng rỡ chứ không phải là nỗi âu lo, hằn thêm vẻ khắc khổ!

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 10

Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, cho biết nguyên nhân chính khiến giá thanh long giảm mạnh là do lượng thanh long chong đèn và chính vụ được thu hoạch cùng thời điểm, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, từ trước tới giờ, thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này lượng hàng tồn nhiều nên dẫn đến thanh long bị rớt giá thê thảm.

Nước mắt rơi trên ruộng thanh long - 11

Ông Hiệp cho biết thêm, hiện công ty của ông đã thu mua đủ số lượng thanh long nên đang tạm ngưng vì hàng hóa tại cửa khẩu gần như đóng băng. Không chỉ Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu mà hầu hết các cơ sở thu mua thanh long ở Bình Thuận gần như đã thu đủ số lượng nên nhiều doanh nghiệp sẽ tạm ngừng thu mua trong vài ngày tới.

Một chủ vựa thanh long ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An thừa nhận "Không phải bên Trung Quốc họ không ăn thanh long mà do năm nay vụ mùa này là mùa chính nên ở đây và ngoài Bình Thuận cùng trúng mùa. Bên Campuchia cũng vậy nên số lượng thanh long quá lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, hàng bị dội chợ."

Theo Minh Sơn - Y Linh - Việt Khánh - Viết Vinh - Lê Duy (Nld.com.vn)

Nổi bật