Thái Lan vẫn là nước hưởng lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

12/11/2019 12:30:10

Cho đến hiện tại, Thái Lan vẫn là nước hưởng lợi lớn nhất kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra ngày 22/3/2018, theo ông Clive McDonnell, Giám đốc Chiến lược vốn thuộc Khối Ngân hàng cá nhân cao cấp của Standard Chartered.

“Chúng tôi đã thấy rất nhiều bằng chứng về các công ty, đặc biệt là các công ty Nhật Bản, đang cố gắng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các quốc gia khác (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)” - ông McDellell, đã nói với kênh CNBC.

Thái Lan đã được hưởng lợi từ sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng gây ra bởi cuộc chiến thương mại.

Trong khoảng một năm qua, Washington và Bắc Kinh đã áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa của nhau và các công ty sản xuất hàng hóa của họ ở Trung Quốc đã phải tìm các cơ sở sản xuất ở nơi khác để tránh các mức thuế đó.

Thái Lan vẫn là nước hưởng lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Du lịch Thái Lan là một trong những ngành được hưởng lợi lớn trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Thái Lan không phải là người thụ hưởng duy nhất, nhưng với đồng tiền được đánh giá là mạnh nên ít bị tổn thương trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung so với các nền kinh tế thặng dư khác như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Kể từ đầu năm, đồng baht của Thái Lan đã tăng giá hơn 6% so với đồng USD.

Cuộc chiến thương mại đã làm tăng tầm quan trọng của Thái Lan khi đây là cơ sở sản xuất hàng hóa của Nhật Bản như phụ tùng ô tô và điện tử được xuất khẩu sang Mỹ. Nhật Bản là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Thái Lan.

Tăng trưởng xuất khẩu ở Thái Lan đang bắt đầu phục hồi từ sự suy giảm trong nửa cuối năm 2018 và dự trữ ngoại hối đã tăng 20 tỷ USD trong năm nay lên 220 tỷ USD.

Tuy nhiên, thuận lợi bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đồng baht Thái mạnh lên đã gây áp lực cho nền kinh tế nước này. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang cân nhắc triển khai các biện pháp bổ sung để kiềm chế đà tăng giá của đồng baht, trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này đạt mức tỷ giá cao nhất trong 6 năm so với đồng USD, gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế.

Thái Lan vẫn là nước hưởng lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - 1
Đồng baht Thái mạnh lên đã gây áp lực cho nền kinh tế nước này.

Theo lý thuyết kinh tế và thực tế thường thấy, khi đồng nội tệ của một quốc gia tăng giá, xuất khẩu của nước đó chịu ảnh hưởng bất lợi. Thái Lan không phải là một ngoại lệ. Tất cả những yếu tố này đang gây sức ép suy giảm tăng trưởng kinh tế Thái Lan. Một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia của Bloomberg dự báo kinh tế Thái Lan tăng trưởng 3% trong năm 2019, so với mức tăng 4,1% đạt được trong năm ngoái.

Vào tháng 9, Thái Lan đã công bố một gói với các ưu đãi để thu hút các công ty bị tấn công bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chuyển sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.

Khi được hỏi liệu sức mạnh của đồng baht Thái Lan có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh xuất khẩu của đất nước vào thời điểm mà các loại tiền tệ khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã chứng kiến sự suy yếu đáng kể hay không, ông McDonnell thừa nhận đây là một thách thức.

Tuy nhiên, ông nói thêm: Nếu bạn nhìn vào lịch sử của đồng baht Thái Lan, đó là một loại tiền tệ rất dễ “bay hơi”. Các nhà xuất khẩu đã phải chiến đấu với sự biến động đáng kể của tiền tệ theo thời gian. Tôi nghĩ rằng họ là những người có kinh nghiệm.

Ngoài Thái Lan, thì Việt Nam cũng được coi là một trong những nước hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc chính thức nổ ra từ ngày 22/3/2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đánh thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.

Các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất bị đánh thuế cao sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu các mặt hàng tương tự sang Mỹ. Đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp Việt có thể mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng với giá rẻ, từ đó hàng hóa sẽ tăng sức cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường Mỹ thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc.

Về trung hạn, Việt Nam có thể có sự gia tăng sản phẩm của một số ngành xuất khẩu có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc và nhiều khả năng sẽ diễn ra xu hướng chuyển các công ty xuyên quốc gia từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể đáp ứng với khả năng sản xuất của Trung Quốc. Bởi Việt Nam có một hạn chế lớn là thiếu nguồn nhân lực.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và đang phát triển nhưng quy mô lực lượng lao động của Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc đến 14 lần.

Theo Lê Phan (Nguoitieudung.com.vn)