Với nhiều người, Tết Nguyên đán về mang theo niềm vui và sự háo hức. Nhưng với gia đình chị Phạm Thị Huế ở Thanh Lãm, Hà Đông (Hà Nội) lại chỉ thấy lo lắng. Bởi những ngày cuối năm, trong khi nhiều người làm công ăn lương nhận được các khoản lương, thưởng thì vợ chồng chị buồn so vì người đang thất nghiệp, người vừa nghe nói năm nay bị cắt thưởng Tết.
Chị Huế kể, vợ chồng chị kết hôn 4 năm nay và đã có một con nhỏ 3 tuổi. Tuy đã có nhà riêng, nhưng do vợ chồng chỉ làm công nhân nên thu nhập thấp. Mỗi tháng lấy lương về chỉ đủ chi tiêu trong gia đình và chị để dành được một ít, phòng khi biến cố.
“Mình làm công nhân của một nhà máy may ở Hà Đông, lương tháng khoảng 6 triệu đồng. Còn chồng là nhân viên giao hàng cho một công ty, lương chỉ được 6,5 triệu. Tổng thu nhập mỗi tháng được khoảng 12,5 triệu nếu đi làm đầy đủ. Riêng tiền chi tiêu một tháng, dù tằn tiện lắm cũng hết 9 triệu đồng. Vì thế, chỉ còn khoảng 3-3,5 triệu tiết kiệm phòng lúc con ốm đau hay gia đình có việc”, chị nói.
Từ đầu năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công việc giao hàng của chồng chị Huế bị ảnh hưởng. Có thời điểm công ty còn cho anh nghỉ việc không lương 6 tháng, sau có đi làm lại nhưng ít việc.
Ở công ty chị Huế, do sản phẩm không xuất khẩu sản phẩm được nên cũng ít việc thấy rõ. Điều này khiến thu nhập của chị bị giảm hoặc ngày đi làm, ngày nghỉ. Cả hai vợ chồng đều thu nhập bấp bênh, cả năm trung bình chỉ trông chờ vào lương của một người.
“Thu nhập giảm sút, mình đã cố cắt giảm các khoản, chỉ tiêu khoảng 6-7 triệu/tháng. Cả năm nay vợ chồng mình không để dành được đồng nào. Thậm chí, có tháng có việc gia đình còn phải tiêu âm vào khoản để dành tiết kiệm các năm trước”, chị Huế cho hay.
Nói về chi tiêu Tết Nguyên đán năm nay, bà mẹ một con buồn rầu kể, chồng chị không có thưởng Tết, còn chị mọi năm được một tháng lương thứ 13 nhưng năm nay bị cắt thưởng Tết vì doanh thu không có. Bù lại, công ty chỉ có gói quà Tết trị giá khoảng 1 triệu đồng. Không có lương thưởng cuối năm nên chị Huế dự định chỉ tiêu Tết trong vòng 5 triệu đồng.
“Năm nay vợ chồng không có thưởng Tết nên mình phải cân đối, chỉ chi tiêu cho các khoản thiết thực nhất như mua sắm thực phẩm, quà Tết đôi bên nội ngoại, hoa quả, bánh kẹo bày bàn thờ Tết. Còn lại, mình cắt hết các khoản sắm sửa khác”, chị Huế tâm sự.
Cụ thể với 5 triệu đồng, chị Huế định chi tiêu những khoản sau:
Tiền mua giỏ quà Tết: 1 triệu đồng.
Tết đến, chị Huế sẽ mua hai giỏ quà Tết biếu hai bên nội ngoại. Mỗi giỏ quà Tết bao gồm bánh mứt kẹo, nước ngọt, rượu, hết khoảng 500.000 đồng/giỏ.
Tiền mừng tuổi: 2 triệu đồng
Ngày Tết, chị Huế dự định mừng tuổi bố mẹ hai bên mỗi người 200.000 đồng. Còn lại số tiền chị để dành mừng tuổi cho các cụ già, các cháu nhỏ. Với các cụ già, chị mừng tuổi 50.000 đồng. Với các cháu nhỏ thì đồng loạt lì xì 10.000 đồng để lấy may đầu năm.
Tiền mua thực phẩm Tết: 1 triệu đồng
Vì Tết chỉ có 3-4 ngày nên để tiết kiệm chi tiêu, chị Huế dự định mua thực phẩm rồi về tự chế biến cho tiết kiệm nhất. “Bánh chưng đã có nhà ông bà nội cho 5 chiếc. Giò thủ ông nội cũng bảo sẽ gói cho một chiếc. Gà ăn Tết bà ngoại cho 4 con, cộng với 30 quả trứng gà để làm nem. Đào nhà đứa em trai trồng cho một cây. Vì thế, mình chỉ cần mua thêm giò bò, măng miến, mộc nhĩ, bánh đa nem, ít rau củ để ăn Tết nữa thôi”, chị Huế tính.
Tiền mua hoa quả, bánh kẹo trang trí bàn thờ Tết: 1 triệu đồng
Vì đã có một giỏ bánh kẹo công ty tặng nên chị Huế chỉ mua thêm những hoa quả để bày lên mâm ngũ quả và 10 bông hoa dơn đẹp cắm bàn thờ.
Ngoài ra bà nội trợ này cũng mua thêm ít bánh, kẹo, nước ngọt để tiếp khách.
“Nhà mình chỉ mua sắm những thứ cơ bản, nhiều thứ đã xin hết của nhà nội, nhà ngoại rồi mà vẫn hết khoảng 5 triệu đồng. Có 3-4 ngày Tết mà mua sắm tiết kiệm nhất cũng bằng chi tiêu cả tháng, chỉ mong không vượt quá số dự tính là mừng rồi. Thôi đành có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít vậy”, chị Huế chia sẻ.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)