Bạn có thể tiết kiệm tiền bằng việc đặt ra mục tiêu cụ thể, phân bổ chi tiêu hợp lý, đầu tư ngắn, dài hạn...
Đặt ra mục tiêu tiết kiệm
Khi tiết kiệm tài chính, bạn nên đặt ra mục tiêu cụ thể. Ví dụ như, tiết kiệm cho dự định kinh doanh lớn/nhỏ; tiết kiệm để trả nợ, tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp.
Nếu bạn không có mục tiêu rõ ràng khi tiết kiệm tiền thì kế hoạch sẽ khó được thực hiện liên tục, thậm chí mất động lực tiết kiệm khi có sự cố nào đó xảy ra.
Phân bổ tài chính theo cách chia tiền vào từng giỏ
Bỏ tiền vào từng giỏ là cách giúp bạn chi tiêu hợp lý và có một khoản tiết kiệm.
Giỏ thứ nhất là những khoản chi tiêu cố định hàng tháng: tiền ăn, điện nước, sinh hoạt, xe cộ... Thường số tiền bỏ vào giỏ này là 50% tổng thu nhập của bạn trong tháng.
Giỏ thứ hai là khoản hưởng thụ cá nhân, chiếm 10-15% thu nhập. Ví dụ, tiền xem phim, cafe, quần áo, giày dép...
Giỏ thứ ba là dự phòng thất nghiệp. Không ai biết trước rằng, mình có thất nghiệp trong thời gian tới. Vì thế, hãy tiết kiệm tiền từ hôm nay. Số tiền bỏ vào giỏ này khoảng 15% tổng thu nhập của bạn.
Giỏ thứ tư là tiết kiệm dài hạn/ngắn hạn có mục tiêu. Ví dụ, bạn có thể trích ra 15% tổng thu nhập để gửi ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản...
Chỉ rút tiền vừa phải trong tài khoản
Một kinh nghiệm nữa khi tiết kiệm tiền là chỉ rút đủ tiền trong thẻ ATM, thẻ tín dụng. Vì nếu có nhiều tiền mặt, bạn sẽ khó kiểm soát chi tiêu.
Tiết kiệm tiền từ những điều nhỏ nhặt nhất
“Tích tiểu thành đại” là bài học luôn đúng trong mọi thời đại. Ngay bây giờ, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như: tắt bớt đèn khi không sử dụng, chăm chỉ nấu cơm ở nhà thay vì ra cửa hàng ăn uống, sử dụng thẻ thành viên, tích điểm để có nhiều ưu đãi hơn,…
Thống kê và loại bỏ những khoản chi tiêu không hợp lý
Việc thống kê chi tiết chi tiêu, đặc biệt là các khoản không phù hợp cũng là một cách để tiết kiệm chi phí. Điều này càng trở nên đúng đắn với những người đã lập gia đình và nuôi con nhỏ.
Thông thường, một tháng bạn phải trả các khoản tiền cố định như: các khoản tiền trong tháng bạn cần phải chi bao gồm:
- Tiền ăn uống, sinh hoạt, điện nước...
- Tiền xăng xe đi lại.
- Tiền nhà (nếu phải đi thuê hoặc mua trả góp)
- Tiền mua sắm những vật dụng cần thiết.
- Ngoài ra còn có các khoản tiền chi phí phát sinh: cưới hỏi, thăm nom người ốm, sinh nhật, tiệc tùng...
Bạn hãy thử cộng lại các khoản tiền chi tiêu trong một tháng để thấy nó có thực sự bằng hay lớn hơn khoản tài chính mà mình có. Nếu vượt qua ngưỡng cho phép của bản thân đặt ra, hãy tìm khoản nào thật sự không cần thiết và hạn chế lại. Bởi nếu không chi tiêu hợp lý thì bạn không thể tiết kiệm được tài chính nhàn rỗi.
PN (Nguoiduatin.vn)