Taxi Hà Nội kêu gọi 77 hãng hợp lực 'đấu' với Grab

06/04/2018 14:52:08

Hiệp hội Taxi Hà Nội đề xuất xây dựng trung tâm điều hành đặt xe qua mạng chung cho 77 doanh nghiệp để hành khách có thể đặt xe, xem giá giống như Grab.

Sáng 6/4, phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" do báo Giao Thông tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho biết “cuộc hôn nhân” của Uber, Grab khiến các hãng taxi Việt Nam cạnh tranh khó khăn hơn.

Vị này cho rằng Grab hiện là “con cá mập”, hoạt động lách luật. Các hãng taxi Việt Nam phải đoàn kết nếu muốn tồn tại.

Các 'ông lớn' nhòm ngó Việt Nam

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, chia sẻ việc Grab mua lại Uber là hết sức bình thường, các doanh nghiệp Việt không nên quá lo lắng trước sự kiện này.

“Khi xuất hiện người khổng lồ, chúng ta sẽ thấy lo ngại nhưng tôi thì thấy họ sáp nhập cồng kềnh lại là cơ hội cho doanh nghiệp vận tải Việt”, ông Hùng nói.

Taxi Hà Nội kêu gọi 77 hãng hợp lực 'đấu' với Grab
Nhiều doanh nghiệp Việt lo ngại khi Grab thôn tính Uber. Ảnh: HC.

Ông Hùng dẫn chứng khi xuất hiện Grab tại Việt Nam, Uber là một thế lực lớn, hùng mạnh. Nhưng đến giờ, Grab đã thôn tính Uber còn các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như Đông Nam Á vẫn đứng vững trên đôi chân của mình. Chẳng ai ngờ được Uber thất bại ở Đông Nam Á cả, bởi họ quá lớn.

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, cho biết sự tồn tại của taxi và ứng dụng công nghệ gọi xe đã được đề cập nhiều không chỉ ở Việt Nam.

Tại Thái Lan, dù Uber, Grab bị cấm nhưng họ vẫn tồn tại và không gây ảnh hưởng đến taxi truyền thống. Nó tạo ra sự cạnh tranh, cung cấp đến người dân dịch vụ tốt nhất. Thời gian tới, nhiều đơn vị của Việt Nam sẽ cung cấp ứng dụng công nghệ giống như Uber, Grab.

Bên cạnh đó, một số “ông lớn” ở châu Á có thể cạnh tranh với Uber-Grab đang muốn vào Việt Nam.

Mới đây, ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia đang tìm hiểu vào thị trường nước ta hay ứng dụng Didi của Trung Quốc đã gửi lên Bộ GTVT đề nghị được thí điểm. Hiện Bộ chưa đồng ý vì thời điểm chưa phù hợp.

"Thời gian tới, tác động của bên ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực vận tải sẽ rất nhiều", ông Thủy cho hay.

Taxi Hà Nội có phần mềm gọi xe chung

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho rằng Uber, Grab đưa vào Việt Nam một loại hình công nghệ hiện đại và chiến dịch khuyến mại lớn để thu hút người dân. Những cái này taxi truyền thống không làm được vì vướng hàng loạt cơ chế.

Lâu nay, 77 doanh nghiệp taxi hoạt động ở Hà Nội hoạt động theo kiểu “một chiếc đũa”, bị chia nhỏ. Ai cũng có ứng dụng, kênh kết nối riêng của mình. Trước thực tế hiện nay, theo ông Hùng, taxi Hà Nội phải đoàn kết.

Taxi Hà Nội kêu gọi 77 hãng hợp lực 'đấu' với Grab - 1
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ảnh: Văn Chương.

“Hiện xuất hiện một con cá mập là Grab, hoạt động kiểu lách luật thì taxi Hà Nội phải đoàn kết. Việc này phải được thực hiện ngay”, ông Hùng nhấn mạnh.

Vị này cho hay, Hiệp hội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng nhưng doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm, có tên tuổi không ủng hộ. Sau đó, Hiệp hội kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng.

Theo ông Hùng, đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến thủ đô có thể tải, truy cập phần mềm, lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần taxi Mai Linh miền Bắc nhìn nhận việc Grab mua Uber sẽ dẫn đến khó khăn hơn nữa cho taxi Việt Nam. Trước đây Uber và Grab cạnh tranh lẫn nhau nhưng nay họ là một và chỉ cạnh tranh với taxi truyền thống.

“Tôi đề nghị xác hãng taxi truyền thống phải đoàn kết với nhau để cạnh tranh lại với Grab”, ông Hồ Quốc Phi nói.

Ông Phi khẳng định chủ trương taxi Hà Nội chạy chung cho tất cả các hãng cho toàn thành phố, Mai Linh rất hoan nghênh và sẵn sàng chạy chung với các hãng khác. Như vậy sẽ tạo sức mạnh để phục vụ tốt nhất người dân.

Phân tích vì sao các hãng taxi thua Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX GTVT Toàn Cầu, lý giải là các hãng taxi phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không. Mỗi tài khoản Grab kích hoạt phải nộp 500.000 đến 1 triệu đồng, với 50.000 tài khoản, tiền lãi này Grab tha hồ dùng để khuyến mại giá.

"Do vậy, không một hãng vận tải nào trong nước hiện nay có đủ tiềm lực bằng Grab và Uber. Các hãng taxi truyền thống càng xoay sở, càng thất bại", ông Tuấn nói.

Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)