Lo độc quyền khi Grab thâu tóm Uber, taxi truyền thống 'tung đòn mới'

06/04/2018 14:17:48

Các hãng Taxi truyền thống ở Hà Nội đang xây dựng một phần mềm chung trong bối cảnh lo ngại Grab độc quyền sau khi mua Uber.

Ngày 8.4 tới đây, Uber chính thức chuyển giao hoạt động ở Đông Nam Á trong đó có Việt Nam cho Grab. Nhiều hãng taxi truyền thống trong nước cũng đang lo ngại việc độc quyền sẽ khiến họ khoạt động khó khăn hơn.

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hoạt động của Uber, Grab tại Việt Nam đã rất rõ ràng.  

"Grab và Uber sử dụng nguồn vốn khổng lồ với mục tiêu thôn tính và độc quyền thị trường. Ban đầu, họ tạo ứng dụng công nghệ để thu hút người dùng kèm theo các chương trình khuyến mại khổng lồ trong khi taxi truyền thống không có được vì các điều kiện kinh doanh khó khăn, nộp thuế cao. Ngoài ra, trước khi vào Việt Nam, Grab đã nghiên cứu kỹ pháp luật nước ta, tìm kẽ hở để tăng lợi thế cho mình" - ông Hùng phân tích.

Ông Hồ Quốc Phi – Tổng Giám đốc Mai Linh miền Bắc nhận định: Uber chỉ thua Didi tại Trung Quốc chứ không thua tại Việt Nam. Ông chủ thực sự của Uber tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là Softbank - nhà đầu tư rất mạnh. Nếu như trước đây Uber, Grab hoạt động riêng rẽ, họ đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành taxi nhưng nay hai công ty cực mạnh này kết hợp lại thì dự kiến sẽ còn khó khăn hơn.

“Khi Uber-Grab cạnh tranh mạnh, ngay lập tức các hãng taxi khác đã mất một lượng lớn người lao động cho hai công ty này. Hình ảnh rất nhiều xe taxi hiện nay phải nằm bãi chính là câu trả lời rõ nhất” – ông Phi nhấn mạnh.

Lo độc quyền khi Grab thâu tóm Uber, taxi truyền thống 'tung đòn mới'
Các hãng Taxi truyền thống ở Hà Nội đang xây dựng một phần mềm chung trong bối cảnh lo ngại Grab độc quyền sau khi mua Uber.

Sau một thời gian theo dõi, nhìn nhận và đánh giá, v.v… các hãng taxi truyền thống đều thống nhất đi tới sự thay đổi. Cụ thể, theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, từ khi Uber, Grab vào Việt Nam thì taxi truyền thống đã theo dõi sát và tiếp thu công nghệ, tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. 

“Ngay cả đơn vị nhỏ nhất của Hiệp hội Taxi Hà Nội là taxi Phù Đổng cũng có ứng dụng đặt xe, đã được Bộ GTVT cho phép thử nghiệm. Chúng tôi nhận thức được việc phải thay đổi. Đơn cử, sau khi nhận được dự thảo quản lý taxi của UBND TP.Hà Nội có đề xuất làm tổng đài chung đặt xe cho các hãng taxi ở Hà Nội, chúng tôi đã làm việc với một đơn vị cung cấp phần mềm. Hiện đơn vị này đang xây dựng phần mềm chung cho các hãng taxi của Hiệp hội. Khi có phần mềm chung, khách hàng chỉ cần tải một phần mềm là có thể hiển thị toàn bộ doanh nghiệp, loại xe, giá thành…” – ông Hùng bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty Phương Trang nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng của thế giới. Về quan điểm của Phương Trang, vừa rồi chúng tôi ký kết với VIVO để thành lập công ty chuyên hoạt động về công nghệ. Phương  Trang cũng hoạt động trong ngành taxi truyền thống và rất hiểu nỗi khổ của ngành taxi nhưng chúng tôi phải đi tìm cái mới để phù hợp với xu thế. Chúng ta phải nhìn nhận được cái hay để tập trung phát triển” – ông Dũng nói.

Liên quan đến vấn đề xây dựng một phần mềm chung cho các hãng taxi ở Hà Nội, ông Hồ Quốc Phi - Tổng Giám đốc Mai Linh miền Bắc bày tỏ hoan nghênh.

"Mai Linh chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng cùng với các hãng taxi ở hà nội ở chạy chung trên một mặt bằng. Đây là chủ trương lớn của TP Hà Nội đã được giao cho Hiệp hội taxi đứng ra. Quá trình chạy ban đầu tôi nghĩ có thể trục trặc nhưng cơ bản khi các hãng taxi sẽ hợp lực tạo thành một sức mạnh và đảm bảo phục vụ cao nhất cho khách hàng. Phần mềm chung sẽ không gây khó khăn cho hãng nào mà sẽ chỉ tạo thêm sức mạnh" - ông Phi chia sẻ.

Theo Hoàng Thành (Dân Việt)

Nổi bật